Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung việc bàn giao, quản lý, xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính như thế nào?
Hướng dẫn bổ sung việc bàn giao, quản lý, xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính của Bộ Tài Chính như thế nào?
Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung việc bàn giao, quản lý, xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính như thế nào?
Ngày 15/5/2025, Bộ Tài chính ban hành Công văn 6606/BTC-QLCS năm 2025 hướng dẫn bổ sung việc bàn giao, quản lý, xử lý tài sản công là tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính.
Tiếp theo Công văn 13749/BTC-NSNN ngày 14/12/2024, Công văn 2454/BTC-QLCS ngày 28/02/2025, Công văn 4891/BTC-QLCS ngày 15/4/2025 của Bộ Tài chính hướng dẫn các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương sắp xếp, bố trí, xử lý tài sản công khi sắp xếp đơn vị hành chính; Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung việc bàn giao, quản lý, xử lý tài sản công là tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính như sau:
(1) Nguyên tắc chung
- Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc đối tượng sắp xếp đơn vị hành chính thực hiện kiểm kê, lập danh sách tài sản công là tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân, tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước do cơ quan, tổ chức, đơn vị mình đang quản lý/tạm quản lý.
- Trên cơ sở đó, căn cứ Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện bàn giao các tài sản tại điểm a mục này cho cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý tài sản theo quy định của pháp luật và hướng dẫn tại Công văn này. Việc bàn giao, tiếp nhận được thực hiện lập thành Biên bản gồm các nội dung chính: Thành phần tham gia bàn giao, tiếp nhận; Danh mục tài sản bàn giao, tiếp nhận; Các hồ sơ liên quan đến tài sản; Trách nhiệm của các bên liên quan.
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao trách nhiệm tiếp nhận có trách nhiệm tiếp nhận tài sản, thực hiện việc quản lý, xử lý tài sản theo quy định của pháp luật; bảo đảm không làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, không làm thất thoát, lãng phí tài sản.
(2) Đối với tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý
- Đối với tài sản kết cấu hạ tầng hiện đang do cấp xã quản lý:
Đơn vị hành chính cấp xã (mới) được hình thành sau khi thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa việc quản lý, sử dụng các loại tài sản kết cấu hạ tầng do đơn vị hành chính cấp xã (cũ) đang quản lý, sử dụng.
Trường hợp đơn vị hành chính cấp xã (cũ) được tách thành nhiều phần để hình thành nên các đơn vị hành chính cấp xã (mới) thì đơn vị hành chính cấp xã (mới) có trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa việc quản lý, sử dụng đối với các tài sản kết cấu hạ tầng của đơn vị hành chính cấp xã (cũ) nằm trên địa bàn theo đơn vị hành chính cấp xã (mới).
Trường hợp tài sản nằm trên nhiều địa bàn đơn vị hành chính cấp xã mới thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc giao trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa việc quản lý, sử dụng cho cơ quan cấp tỉnh hoặc đơn vị hành chính cấp xã (mới).
- Đối với tài sản kết cấu hạ tầng hiện đang do cấp huyện quản lý:
+ Đối với tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi, chợ: Đơn vị hành chính cấp xã (mới) có trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa việc quản lý, sử dụng đối với các tài sản kết cấu hạ tầng nằm trên địa giới hành chính của đơn vị hành chính cấp xã (mới). Trường hợp tài sản nằm trên nhiều địa bàn đơn vị hành chính cấp xã mới thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc giao trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa việc quản lý, sử dụng cho cơ quan cấp tỉnh hoặc đơn vị hành chính cấp xã (mới).
+ Đối với các loại tài sản kết cấu hạ tầng khác: Trên cơ sở danh mục tài sản kết cấu hạ tầng do Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình đang quản lý/tạm quản lý, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo cơ quan chuyên môn quản lý ngành, lĩnh vực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để quyết định việc giao trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa việc quản lý, sử dụng cho cơ quan cấp tỉnh hoặc đơn vị hành chính cấp xã (mới).
- Đối với tài sản kết cấu hạ tầng hiện đang do cấp tỉnh quản lý: Đơn vị hành chính cấp tỉnh (mới) được hình thành sau khi thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa việc quản lý, sử dụng các loại tài sản kết cấu hạ tầng do đơn vị hành chính cấp tỉnh (cũ) đang quản lý, sử dụng.
(3) Đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân
- Đối với các tài sản do đơn vị chủ trì quản lý tài sản là cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp xã đang quản lý mà đến thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã chưa hoàn thành việc xử lý: Đơn vị hành chính cấp xã (mới) được hình thành sau khi thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận, thực hiện việc quản lý, xử lý các tài sản do đơn vị hành chính cấp xã (cũ) đang quản lý. Trường hợp đơn vị hành chính cấp xã (cũ) được tách thành nhiều phần để hình thành nên các đơn vị hành chính cấp xã (mới) thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định cụ thể đơn vị hành chính cấp xã (mới) có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, xử lý tài sản.
- Đối với các tài sản do đơn vị chủ trì quản lý tài sản là cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp huyện đang quản lý mà đến thời điểm bỏ đơn vị hành chính cấp huyện chưa hoàn thành việc xử lý: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao cho cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc đơn vị hành chính cấp xã (mới) tiếp nhận, thực hiện việc quản lý, xử lý tài sản theo quy định.
- Đối với các tài sản do đơn vị chủ trì quản lý tài sản là cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp tỉnh đang quản lý mà đến thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh chưa hoàn thành việc xử lý: Đơn vị hành chính cấp tỉnh (mới) được hình thành sau khi thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận, kế thừa việc quản lý, xử lý đối với các tài sản do đơn vị hành chính cấp tỉnh (cũ) đang quản lý.
- Đối với các tài sản do cơ quan trung ương đang quản lý mà cơ quan đó không còn do thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy để phù hợp với việc sắp xếp đơn vị hành chính: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định giao cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan trung ương có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, xử lý tài sản theo quy định của pháp luật.
(4) Đối với tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước:
- Đối với tài sản phục vụ hoạt động của dự án: Thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn 13749/BTC-NSNN ngày 14/12/2024, Công văn 2454/BTC-QLCS ngày 28/02/2025, Công văn 4891/BTC-QLCS ngày 15/4/2025 của Bộ Tài chính.
- Đối với tài sản là kết quả của dự án đã hoàn thành: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư dự án (trong trường hợp không có Ban Quản lý dự án hoặc Ban Quản lý dự án đã giải thể) thực hiện rà soát để:
+ Hoàn thành việc bàn giao tài sản cho đối tượng thụ hưởng theo quy định của pháp luật (đối với các dự án đã xác định cụ thể đối tượng thụ hưởng); trong đó, lưu ý bàn giao đầy đủ thông tin về giá trị của tài sản để phục vụ việc quản lý, hạch toán của đối tượng thụ hưởng sau khi bàn giao.
+ Báo cáo cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc xử lý tài sản theo quy định của pháp luật (đối với các dự án chưa xác định cụ thể đối tượng thụ hưởng); trường hợp đến thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính mà chưa hoàn thành việc xử lý thì thực hiện theo nguyên tắc tại các điểm a, b và c mục 3 Công văn 6606/BTC-QLCS năm 2025.
- Đối với các dự án dở dang: Thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn 4738/BTC-TH ngày 14/4/2025.
(5) Đối với việc quản lý tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước do Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện làm chủ tài khoản để quản lý các khoản thu liên quan đến quản lý, xử lý, khai thác tài sản công: Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện thực hiện chuyển vào tài khoản tạm giữ do Sở Tài chính làm chủ tài khoản và thông báo cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có khoản thu biết để thực hiện thủ tục thanh toán chi phí với Sở Tài chính. Sở Tài chính có trách nhiệm thực hiện quản lý số tiền trên tài khoản tạm giữ theo quy định của pháp luật.
>> Hướng dẫn chi tiết 05 hình thức xử lý tài sản công là nhà đất
Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung việc bàn giao, quản lý, xử lý tài sản công khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính như thế nào? (Hình từ Internet)
Chính sách của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công gồm những gì?
Căn cứ Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công 2017, chính sách của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công bao gồm:
- Nhà nước có chính sách đầu tư, khai thác và bảo vệ tài sản công.
- Nhà nước thực hiện hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài sản công nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công; bảo đảm nguồn nhân lực và tài chính phục vụ quản lý, sử dụng tài sản công.
- Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước thực hiện:
+ Đầu tư vốn, khoa học và công nghệ để phát triển tài sản công và hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công theo quy định của pháp luật;
+ Nhận chuyển giao quyền đầu tư, khai thác hoặc thuê quyền khai thác tài sản công theo quy định của pháp luật;
+ Cung cấp dịch vụ về tài sản công theo quy định của pháp luật.
Từ khóa: Tài sản công Xử lý tài sản công Bổ sung việc bàn giao Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung việc bàn giao Hướng dẫn bổ sung việc bàn giao Tổ chức lại đơn vị hành chính Công văn 6606
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;