Nhấn vào mũi tên để hiển thị chuyên mục con hoặc nhấn vào tiêu đề để lọc theo chuyên mục cha
Bóc phốt người khác lên mạng xã hội bị xử lý thế nào?
Hành vi bóc phốt người khác lên mạng xã hội sẽ bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị xử lý hình sự tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
Xử phạt hành chính hành vi bóc phốt người khác lên mạng xã hội
Căn cứ điểm a khoàn 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định
Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội như sau :
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
…
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này.
Bên cạnh đó, tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 15/2020/NĐ-CP nêu rõ: “Mức phạt tiền quy định từ Chương II đến Chương VII tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, trừ quy định tại Điều 106 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.”
Như vậy, đối với cá nhân thực hiện hành vi bóc phốt người khác lên mạng xã hội thuộc trường hợp tại điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, cụ thể: Cá nhân đã cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân khác thì sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đồng thời, chịu biện pháp khắc phục hậu quả “buộc gỡ bỏ thông tin bóc phốt người khác lên mạng xã hội”.
Xử lý hành vi bóc phốt người khác lên mạng xã hội (Hình từ internet)
Xử lý hình sự với hành vi bóc phốt người khác lên mạng xã hội
Căn cứ Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 quy định
Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
…
Như vậy, đối với hành vi “bóc phốt người khác lên mạng xã hội” có thể sẽ thuộc trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, đó là: Sử dụng mạng máy tính để đăng tải thông tin bóc phốt người khác và điều này đã xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người bị bóc phốt. Nếu hành vi này thỏa mãn các yếu tố cấu thành “Tội làm nhục người khác” tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, thì cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh này.
Bên cạnh đó, tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 quy định:
Tội vu khống
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người đang thi hành công vụ;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
...
Trong trường hợp, người thực hiện hành vi sử dụng mạng máy tính để đăng thông tin người khác sai sự thật và chính họ biết rõ nội dung thông tin đó là sai, nhưng để đạt được mục đích “xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích của người khác” nên đã cố ý thực hiện hành vi phạm tội. Khi đó, nếu hành vi phạm tội ở trường hợp này thỏa mãn các yếu tố cấu thành “Tội vu khống” tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 thì cá nhân thực hiện hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội vu khống”.
Theo quy định tại Điều 155 và Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015
- Mức cao nhất của khung hình phạt ở tội làm nhục người khác là 05 năm tù
- Mức cao nhất của khung hình phạt ở tội vu khống là 07 năm tù
Như vậy, có thể thấy rằng tội vu khống nặng hơn tội làm nhục người khác. Tùy vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội gây ra mà tội danh áp dụng cho mỗi người có thể sẽ khác nhau mặc dù cùng thực hiện hành vi “bóc phốt người khác lên mạng xã hội”.
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];