Án treo có phải hình phạt cho người phạm tội không? Trường hợp nào không được hưởng án treo?
Án treo là gì? Án treo có phải hình phạt cho người phạm tội không? Những trường hợp nào không được hưởng án treo?
Án treo có phải hình phạt cho người phạm tội không?
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó. (Căn cứ Điều 30 Bộ luật Hình sự 2015)
Hệ thống hình phạt nước ta được quy định cụ thể tại Điều 32 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể:
[1] Hình phạt chính
+ Cảnh cáo;
+ Phạt tiền;
+ Cải tạo không giam giữ;
+ Trục xuất;
+ Tù có thời hạn;
+ Tù chung thân;
+ Tử hình.
[2] Hình phạt bổ sung
+ Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;
+ Cấm cư trú;
+ Quản chế;
+ Tước một số quyền công dân;
+ Tịch thu tài sản;
+ Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính;
+ Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.
Theo đó, "Án treo" không nằm trong hệ thống hình phạt theo quy định pháp luật hình sự nước ta. Điều này đồng nghĩa rằng, "Án treo" không phải hình phạt.
Vậy án treo là gì? Tại sao có những bản án lại áp dụng "án treo" đối với người phạm tội?
Án treo được quy định cụ thể tại Điều 65 Bộ luật Hình sự 2015 và được hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP:
Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù. (Điều 1 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP)
Theo đó, Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, không phải hình phạt.
Xuất phát từ nguyên tắc xử lý hình sự nước ta là khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra. Bên cạnh nguyên tắc nghiêm trị, Pháp luật Hình sự nước ta còn quy định nguyên tắc khoan hồng đối với người phạm tội và chính sách nhân đạo trong công cuộc đấu tranh, phòng, chống tội phạm.
Do đó, biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện là "Án treo" được ghi nhận, áp dụng là một trong những nội dung thể hiện của nguyên tắc khoan hồng và chính sách nhân đạo của luật pháp nước ta.
Tuy nhiên, pháp luật vẫn quy định rõ về điều kiện hưởng án treo và chế tài xử lý rõ ràng khi vi phạm nghĩa vụ trong thời gian hưởng án treo để tránh bỏ lọt tội phạm, gây nguy hiểm cho xã hội. Điều này thể hiện rõ tại khoản 2 Điều 6 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP
- Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo
Trên đây là thông tin tham khảo về nội dung "Án treo có phải hình phạt cho người phạm tội không?"
Án treo là gì? (Hình từ internet)
Những trường hợp nào không được hưởng án treo?
Căn cứ Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐTP quy định 06 trường hợp không được hưởng án treo:
[1] Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
[2] Người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng truy nã hoặc yêu cầu truy nã, trừ trường hợp đã ra đầu thú trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử
[3] Người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách; người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo.
[4] Người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trừ một trong các trường hợp sau đây:
+ Người phạm tội là người dưới 18 tuổi;
+ Người phạm tội bị xét xử và kết án về 02 tội đều là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là người giúp sức trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể”.
[5] Người phạm tội 02 lần trở lên, trừ một trong các trường hợp sau:
+ Người phạm tội là người dưới 18 tuổi;
+ Các lần phạm tội đều là tội phạm ít nghiêm trọng;
+ Các lần phạm tội, người phạm tội là người giúp sức trong vụ án đồng phạm với vai trò không đáng kể;
+ Các lần phạm tội do người phạm tội tự thú
[6] Người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm.
Xem thêm
Từ khóa: án treo hình phạt Không được hưởng án treo Người phạm tội Tái phạm trường hợp không được hưởng án treo Hệ thống hình phạt biện pháp cưỡng chế
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;