Toàn văn Hướng dẫn 63-HD/BCĐTW về một số nội dung trọng tâm trong công tác phòng chống lãng phí của Ban Chỉ đạo Trung ương?
Hướng dẫn 63-HD/BCĐTW về một số nội dung trong công tác phòng, chống lãng phí của Ban Chỉ đạo Trung ương? Nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quy định ra sao?
Toàn văn Hướng dẫn 63-HD/BCĐTW về một số nội dung trọng tâm trong công tác phòng chống lãng phí của Ban Chỉ đạo Trung ương?
Ngày 28/4/2025, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ban hành Hướng dẫn 63-HD/BCĐTW năm 2025 về một số nội dung trọng tâm công tác phòng chống lãng phí.
Theo đó, giải thích từ ngữ trong Quy định 191-QĐ/TW, các từ ngữ về công tác phòng chống lãng phí được hiểu như sau:
(1) Lãng phí: là việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, vốn đầu tư công, tài sản công, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên, năng lượng, các nguồn lực khác của nền kinh tế vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc việc quản lý, sử dụng không hiệu quả, không đạt được mục tiêu đã định hoặc tạo rào cản phát triển kinh tế, xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.
(2) Tài chính công bao gồm: Ngân sách nhà nước; dự trữ quốc gia; các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; tài chính của các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị cung cấp dịch vụ, hàng hoá công, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có sử dụng kinh phí, ngân quỹ nhà nước; các khoản nợ công.
(3) Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, tài sản dự trữ nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.
(4) Vụ án gây lãng phí là vụ án hình sự do cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các hành vi gây lãng phí nêu tại Phần II Hướng dẫn này.
(5) Vụ việc gây lãng phí là vụ việc do cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các hành vi gây lãng phí nêu tại Phần II Hướng dẫn này, chưa có quyết định khởi tố vụ án hình sự của cơ quan có thẩm quyền.
(6) Vụ án, vụ việc gây lãng phí nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm là vụ án, vụ việc thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại hoặc thuộc trường hợp phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
- Có liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực.
- Báo chí, truyền thông đưa tin, phản ánh nhiều, gây bức xúc trong dư luận xã hội; được nhiều đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, cử tri quan tâm, phản ánh; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội kiến nghị xử lý.
- Bị các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng tiến hành các hoạt động chống phá.
Xem thêm chi tiết tại: Hướng dẫn 63-HD/BCĐTW năm 2025
Toàn văn Hướng dẫn 63-HD/BCĐTW về một số nội dung trọng tâm trong công tác phòng chống lãng phí của Ban Chỉ đạo Trung ương? (Hình ảnh Internet)
Nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quy định ra sao?
Căn cứ Điều 4 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013, quy định nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí như sau:
- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên từ chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện gắn với kiểm tra, giám sát.
- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải căn cứ vào định mức, tiêu chuẩn, chế độ và quy định khác của pháp luật.
- Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải gắn với cải cách hành chính và bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức.
- Thực hiện phân cấp quản lý, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
- Bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; bảo đảm vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhân dân trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Từ khóa: hướng dẫn 63 hướng dẫn 63-hd/bcđtw công tác phòng chống lãng phí phòng chống lãng phí nguyên tắc thực hành tiết kiệm thực hành tiết kiệm gây lãng phí Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;