Toàn văn Công văn 5223/SYT-NVY TPHCM về phòng chống COVID 19 trong tình hình hiện nay
Sở Y tế TPHCM đã có Công văn 5223/SYT-NVY nhằm đưa ra các nội dung chủ động trong việc phòng chống COVID 19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình hiện nay.
Toàn văn Công văn 5223/SYT-NVY TPHCM về phòng chống COVID 19 trong tình hình hiện nay (Hình từ Internet)
Ngày 21/5/2025, Sở Y tế TPHCM ban hành Công văn 5423/SYT-NVY về việc chủ động triển khai phòng chống COVID 19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình hiện nay.
Toàn văn Công văn 5223/SYT-NVY TPHCM về phòng chống COVID 19 trong tình hình hiện nay
Tiếp nhận Công văn 708/KCB-NV ngày 19/5/2025 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế về việc tăng cường công tác khám, phát hiện, điều trị ca bệnh COVID-19 và Công văn 380/PB-BTN ngày 19/5/2025 của Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế về việc chủ động triển khai phòng, chống COVID-19,
Ngày 20/5/2025, Ban Giám đốc Sở Y tế đã chủ trì cuộc họp với sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị: Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) và các chuyên gia trong lĩnh vực truyền nhiễm của Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau khi nghe các đơn vị báo cáo và phân tích đánh giá tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế nhận định chủng Omicron XEC không phải là biến chủng mới xuất hiện (mà đã được phát hiện trên thế giới từ tháng 6 năm 2024) và hiện đã có mặt khắp nơi trên thế giới, được WHO xếp vào nhóm nguy cơ thấp - biến chủng cần được theo dõi (VUM).
Tuy nhiên, trước các diễn biến khó lường của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh, bảo đảm thực hiện tốt việc thu dung, cấp cứu, chăm sóc, điều trị hiệu quả cho người bệnh mắc COVID-19, phát hiện sớm tình trạng chuyển nặng, xử trí kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, Sở Y tế đề nghị Giám đốc các đơn vị tập trung triển khai một số nội dung sau:
[1] Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố
- Đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức giám sát chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới và trên địa bàn Thành phố, tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại cơ sở y tế và tại cộng đồng, các hoạt động giám sát bao gồm: giám sát ca bệnh, giám sát tác nhân, giám sát dựa vào sự kiện..., theo dõi tình hình thế giới và khu vực để đưa ra các dự báo kịp thời, tham mưu Sở Y tế các hoạt động cần triển khai can thiệp, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh.
- Tiếp tục thực hiện các hoạt động kiểm soát, quản lý bền vững đối với dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2023-2025 theo Quyết định 3894/QĐ-BYT ngày 29/10/2023 của Bộ Y tế và Kế hoạch 6377/KH-UBND ngày 19/12/2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt chú trọng tập trung bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao khi bị COVID-19 (cao tuổi, bệnh mãn tính,…).
- Phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) chủ động thực hiện lấy mẫu đại diện tại các ổ dịch, cơ sở y tế, nhất là các trường hợp mắc bệnh nặng để xét nghiệm xác định các biến thể và theo dõi sự lây lan của dịch bệnh; thường xuyên phân tích tình hình và đánh giá nguy cơ, để đề xuất, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp, kịp thời, hiệu quả.
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện đúng theo Hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 3985/QĐ-BYT ngày 29/10/2023 về “Hướng dẫn giám sát và phòng, chống COVID-19”. Hướng dẫn cho các đơn vị quản lý tại các địa điểm du lịch, vui chơi, giải trí, các trung tâm thương mại, địa điểm công cộng; tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân (đeo khẩu trang nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng, tại cơ sở y tế; hạn chế tụ tập nơi đông người nếu không cần thiết; rửa tay thường xuyên bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở thì phải đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để được kiểm tra, theo dõi, xử lý kịp thời,…).
- Phối hợp với các sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thành phố Thủ Đức, các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn Thành phố tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh trong cộng đồng, chú trọng tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các yếu tố nguy cơ, tác hại của dịch bệnh nhằm nâng cao nhận thức của người dân.
- Bảo đảm cung ứng đủ vật tư tiêu hao, hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động giám sát chủ động của Thành phố; đảm bảo vật tư, hóa chất trang thiết bị chống dịch phục vụ cho hoạt động của các lực lượng trực thuộc Trung tâm. Dự trù kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công và nội dung định mức theo quy định.
[2] Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
- Chủ động rà soát và cập nhật lại kế hoạch thu dung, điều trị COVID-19 tại đơn vị; bố trí nhân lực để theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh COVID-19 khi có chỉ định nhập viện; dự trù thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với các phương án thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 khi dịch bệnh có thể xảy ra diễn biến phức tạp.
- Tổ chức tập huấn lại về chẩn đoán, điều trị, các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm COVID-19 tại đơn vị theo Quyết định 2671/QĐ-BYT ngày 26/6/ 2023 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19; Quyết định 2609/QĐ-BYT ngày 20/6/2023 của Bộ Y tế về ban hành “Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”; Quyết định 3985/QĐ-BYT ngày 29/10/2023 của Bộ Y tế về ban hành “Hướng dẫn giám sát phòng, chống COVID-19”.
- Tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, đặc biệt tăng cường bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao (như phụ nữ có thai, người mắc bệnh nền, người cao tuổi,...), khu hồi sức tích cực, tim mạch, thận nhân tạo, phẫu thuật....Tăng cường giám sát việc tuân thủ vệ sinh tay, tuân thủ đeo khẩu trang đối với toàn bộ người ra vào bệnh viện.
- Trường hợp tiếp nhận người bệnh COVID-19 nặng hoặc trường hợp bệnh nặng do biến chứng COVID 19 cần chủ động hội chẩn, chuyển người bệnh đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới để tiếp tục điều trị, lưu ý đảm bảo an toàn người bệnh trước và trong quá trình chuyển bệnh.
- Tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh cho toàn bộ nhân viên y tế, người bệnh, thân nhân…tại bệnh viện; chú trọng tuyên truyền, vận động, giám sát người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID19 tại bệnh viện theo quy định.
- Thực hiện đầy đủ chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm. Tất cả các trường hợp mắc COVID 19 nhập viện cần được khai thác đầy đủ tiền sử tiêm vaccine phòng COVID-19 (loại vaccine, số mũi tiêm, thời gian tiêm), bệnh lý nền và các yếu tố nguy cơ khác; đồng thời nhập đầy đủ thông tin vào Nền tảng số quản lý sức khỏe cộng đồng của Thành phố Hồ Chí Minh và phần mềm Thông tư 54/2015/TT-BYT của Bộ Y tế.
[3] Đề nghị Phòng Y tế phối hợp với Trung tâm Y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức
- Tham mưu Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID 19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố.
- Tăng cường các hoạt động truyền thông, tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng, chú trọng tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, các yếu tố nguy cơ, tác hại của dịch bệnh nhằm nâng cao nhận thức của người dân. Xây dựng, cập nhật các tài liệu, sản phẩm, thông điệp truyền thông về phòng, chống dịch bệnh phù hợp với phong tục, tập quán, ngôn ngữ của từng địa phương trên địa bàn Thành phố.
- Tổ chức tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ y tế về công tác giám sát, phát hiện, điều tra người mắc bệnh truyền nhiễm, giám sát các tác nhân gây bệnh, các biện pháp xử lý ổ dịch.
- Thực hiện đầy đủ chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư 54/2015/TT-BYT về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.
- Tiếp tục thực hiện Kế hoạch 6377/KH-UBND ngày 19/12/2023 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
Xem thêm tại Công văn 5423/SYT-NVY ban hành ngày 21/5/2025.
Trên đây là nội dung "Toàn văn Công văn 5223/SYT-NVY TPHCM về phòng chống COVID 19 trong tình hình hiện nay".
Dấu hiệu nhận biết mắc COVID 19 trong năm 2025 hay không?
Theo quy định tại Hướng dẫn chuẩn đoán và điều trị Covid-19 được ban hành kèm theo Quyết định 2671/QĐ-BYT năm 2023, các dấu hiệu nhận biết mắc COVID 19 như sau:
[1] Trường hợp bệnh nghi ngờ bị Covid 19
- Là người có yếu tố dịch tễ và có ít nhất 3 trong số các triệu chứng sau: sốt; ho; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; đau, nhức đầu; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; giảm hoặc mất khứu giác; giảm hoặc mất vị giác; buồn nôn; nôn; tiêu chảy; khó thở.
- Là người có yếu tố dịch tễ và biểu hiện viêm đường hô hấp cấp tính nặng (SARI), viêm phổi nặng nghi do vi rút (SVP) có chỉ định nhập viện.
- Là người không có đủ biểu hiện lâm sàng như ở điểm (a) nhưng có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2.
* Người có yếu tố dịch tễ là người tiếp xúc gần với người bệnh khẳng định/nghi ngờ hoặc người sống trong khu vực ổ dịch đang hoạt động.
[2] Trường hợp bệnh xác định bị Covid 19
- Là người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của vi rút (Realtime RT-PCR).
- Là người có triệu chứng lâm sàng (nêu tại điểm a, điểm b của mục 2.1) và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2.3
Từ khóa: Công văn 5223/SYT-NVY Phòng chống COVID 19 Covid 19 Người bệnh Dấu hiệu nhận biết mắc COVID 19 Bệnh truyền nhiễm
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;