Trường hợp không ký kết hợp đồng thực hiện nhiệm vụ của công chức từ 01/7/2025
Bài viết dưới đây sẽ nêu ra các trường hợp không ký kết hợp đồng thực hiện nhiệm vụ của công chức từ ngày 01/7/2025 theo quy định mới tại Nghị định 173/2025/NĐ-CP.
Trường hợp không ký kết hợp đồng thực hiện nhiệm vụ của công chức từ 01/7/2025 (Hình từ Internet)
Các trường hợp không ký kết hợp đồng thực hiện nhiệm vụ của công chức
Theo Nghị định 173/2025/NĐ-CP, không ký kết hợp đồng thực hiện nhiệm vụ của công chức từ ngày 01/7/2025 nếu thuộc các trường hợp sau đây:
[1] Thuộc đối tượng không được ký kết
Cụ thể, không ký hợp đồng đối với các đối tượng sau đây:
- Người đang là cán bộ, công chức, viên chức hoặc đang công tác trong lực lượng vũ trang, người làm công tác cơ yếu;
- Người đang trong thời gian bị cấm hành nghề, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đang chấp hành hình phạt theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
- Người có quan hệ là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ; cha, mẹ (vợ hoặc chồng), cha nuôi, mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi; anh, chị, em ruột; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng của anh, chị, em ruột với người có thẩm quyền ký hợp đồng.
[2] Thuộc loại công việc không được ký kết
Cụ thể, không ký kết hợp đồng để thực hiện các loại công việc sau đây:
- Công việc quản lý nhà nước mang tính chất thường xuyên, liên tục;
- Công việc không thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Công việc mà việc thực hiện hợp đồng có thể làm phát sinh xung đột lợi ích, ảnh hưởng đến tính khách quan, minh bạch, liêm chính trong hoạt động công vụ;
- Công việc ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh quốc gia, an ninh chính trị nội bộ, phòng chống khủng bố, phản gián, bảo vệ bí mật nhà nước, các nhiệm vụ có vị trí trọng yếu cơ mật.
Trường hợp thật cần thiết phải ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ thì phải lấy ý kiến thống nhất của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trước khi tổ chức thực hiện việc ký hợp đồng.
Cơ sở pháp lý: Điều 7 Nghị định 173/2025/NĐ-CP.
Loại hợp đồng nào được ký đối với từng công việc của công chức?
Các công việc quy định tại Điều 4 Nghị định 173/2025/NĐ-CP được ký kết hợp đồng bằng văn bản; trường hợp ký kết thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử thì có giá trị như hợp đồng bằng văn bản.
Trong đó, các loại hợp đồng được ký kết đối với từng loại công việc của công chức như sau:
- Đối với công việc quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 173/2025/NĐ-CP: Thực hiện ký kết hợp đồng dịch vụ đối với cá nhân quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 173/2025/NĐ-CP;
- Đối với công việc quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 173/2025/NĐ-CP: Thực hiện ký kết hợp đồng lao động đối với cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 173/2025/NĐ-CP;
- Đối với công việc quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định 173/2025/NĐ-CP: Thực hiện ký kết hợp đồng dịch vụ để thực hiện những công việc mang tính chất hành chính hoặc công việc không liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước mà nguồn nhân lực hiện có chưa đáp ứng được;
Căn cứ vào tính chất công việc và đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cấp có thẩm quyền quyết định ký hợp đồng lựa chọn ký kết hợp đồng dịch vụ với pháp nhân hoặc cá nhân để thực hiện công việc.
Cơ sở pháp lý: Khoản 1, 2 Điều 6 Nghị định 173/2025/NĐ-CP.
Cá nhân ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ của công chức có quyền, nghĩa vụ gì?
Cá nhân ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ của công chức có quyền, nghĩa vụ như sau:
- Thực hiện đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm chất lượng các nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ theo thỏa thuận trong hợp đồng và yêu cầu khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị ký hợp đồng (nếu có); chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan, tổ chức, đơn vị về kết quả thực hiện;
- Chỉ được sử dụng thông tin, tài liệu, trang thiết bị của cơ quan, tổ chức, đơn vị phục vụ nhiệm vụ được giao; nghiêm cấm sử dụng sai mục đích, để lộ, làm mất, sao chép hoặc chuyển giao trái phép tài liệu mật, tài sản hoặc sản phẩm được giao;
- Được bảo đảm điều kiện thực hiện nhiệm vụ (năng lực chuyên môn, nhân lực hỗ trợ, công cụ, phương tiện cần thiết...) theo đúng nội dung hợp đồng và yêu cầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Được thanh toán tiền lương, tiền thưởng, thù lao, chế độ thuê khoán tương ứng với kết quả, sản phẩm theo thỏa thuận trong hợp đồng và theo quy định của pháp luật;
- Được bảo đảm điều kiện làm việc theo quy định của pháp luật, theo quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị và theo thỏa thuận trong hợp đồng; được tiếp cận tài liệu chuyên môn, thông tin cần thiết phục vụ công việc theo quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Thời gian làm việc theo hợp đồng lao động làm một số nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại Nghị định 173/2025/NĐ-CP được tính làm căn cứ xếp lương theo vị trí việc làm nếu được tuyển dụng, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức. Việc xếp lương tương ứng với vị trí việc làm được tuyển dụng, tiếp nhận thực hiện theo quy định của pháp luật;
- Chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu vi phạm nghĩa vụ hợp đồng gây tổn thất về tài chính, làm thất thoát tài sản, hư hại sản phẩm hoặc làm lộ thông tin, tài liệu mật;
- Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, nội quy, quy chế, quy định chuyên môn của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Cơ sở pháp lý: Khoản 2 Điều 10 Nghị định 173/2025/NĐ-CP.
>> Xem thêm: Toàn văn Nghị định 173/2025/NĐ-CP về hợp đồng thực hiện nhiệm vụ công chức
Từ khóa: Hợp đồng thực hiện nhiệm vụ của công chức Hợp đồng thực hiện nhiệm vụ Công việc của công chức Hợp đồng lao động Hợp đồng dịch vụ
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;