Người đủ điều kiện hưởng lương hưu có được miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp theo Luật Việc làm 2025?
Chính thức từ 1/1/2026, người đủ điều kiện hưởng lương hưu cũng không phải đóng bảo hiểm thất nghiệp theo Luật Việc làm 2025, cụ thể thế nào?
Người đủ điều kiện hưởng lương hưu có được miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp theo Luật Việc làm 2025?
Căn cứ khoản 2 Điều 43 Luật Việc làm 2013 quy định:
Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp
...
2. Người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, Luật hiện hành quy định người lao động đang hưởng lương hưu và giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy nhiên tại khoản 2 Điều 31 Luật Việc làm 2025 quy định:
Đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
1. Người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;
b) Người lao động quy định tại điểm a khoản này làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội;
c) Người làm việc theo hợp đồng làm việc;
d) Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã có hưởng tiền lương.
Trong trường hợp người lao động đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp khác nhau quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp cùng với việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
2. Người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này mà đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng theo quy định của Chính phủ hoặc đủ điều kiện hưởng lương hưu; người lao động đang làm việc theo hợp đồng thử việc theo quy định của pháp luật lao động; người lao động là người giúp việc gia đình thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
...
Như vậy, từ 01/01/2026 không chỉ người đang hưởng lương hưu mà cả người đủ điều kiện hưởng lương hưu cũng không bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Người đủ điều kiện hưởng lương hưu có được miễn đóng bảo hiểm thất nghiệp theo Luật Việc làm 2025?
Luật Việc làm 2025 quy định người lao động được nhận bảo hiểm thất nghiệp trong bao lâu?
Căn cứ Điều 39 Luật Việc làm 2025 có quy định như sau:
Mức hưởng, thời gian hưởng, thời điểm hưởng và hồ sơ, trình tự, thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp
1. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố được áp dụng tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
2. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa 12 tháng.
3. Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp là ngày làm việc thứ 11 kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
4. Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, bao gồm thời gian tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 41 của Luật này. Người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp được cơ quan bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm y tế từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này; quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Như vậy, thời gian hưởng bảo hiểm thất nghiệp được tính theo tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa 12 tháng.
Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 01/01/2026 tối đa là bao nhiêu?
Căn cứ vào Điều 34 Luật Việc làm 2025 quy định như sau:
Căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp
1. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau:
a) Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương tháng theo chức vụ, chức danh, ngạch, bậc và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề, hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);
b) Người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp là tiền lương tháng, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác được thỏa thuận trả thường xuyên, ổn định trong mỗi kỳ trả lương.
Trường hợp người lao động ngừng việc vẫn hưởng tiền lương tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất thì đóng theo tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc.
2. Tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp cao nhất bằng 20 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.
3. Người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp mà bị tạm giam, tạm đình chỉ công việc thì người lao động và người sử dụng lao động tạm dừng đóng bảo hiểm thất nghiệp; trường hợp người lao động được truy lĩnh đủ tiền lương thì người lao động và người sử dụng lao động đóng bù cho thời gian bị tạm giam, tạm đình chỉ công việc bằng số tiền phải đóng của những tháng tạm dừng đóng và thực hiện đồng thời với việc đóng bù bảo hiểm xã hội bắt buộc.
4. Việc truy thu, truy đóng bảo hiểm thất nghiệp thực hiện cùng với việc truy thu, truy đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Như vậy, tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp cao nhất bằng 20 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại thời điểm đóng bảo hiểm thất nghiệp.
Lưu ý: Luật Việc làm 2025 có hiệu lực từ 01/01/2026
Từ khóa: Hưởng lương hưu Luật Việc làm 2025 Người đủ điều kiện hưởng lương hưu Bảo hiểm thất nghiệp Căn cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp Thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;