Mức chi thù lao cho giảng viên, báo cáo viên thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ công chức theo đề xuất Bộ Tài Chính?
Mức chi thù lao cho giảng viên, báo cáo viên thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ công chức? Công chức khi tham gia đào tạo bồi dưỡng phải có các trách nhiệm như thế nào?
Vừa qua, vào ngày 21/07/2025, Bộ Tài chính đã công bố tài liệu lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. (Sau đây gọi là Dự thảo Thông tư)
DỰ THẢO THÔNG TƯ |
Mức chi thù lao cho giảng viên, báo cáo viên thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ công chức theo đề xuất Bộ Tài Chính?
Theo đó, tại điểm a khoản 2 Điều 4 Dự thảo Thông tư quy định về nội dung và mức chi thù lao cho giảng viên, báo cáo viên thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ công chức (CBCC) trong nước, cụ thể như sau:
- Chi thù lao giảng viên, báo cáo viên
+ Tùy theo đối tượng, trình độ học viên, căn cứ yêu cầu chất lượng khóa bồi dưỡng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì tổ chức các khóa bồi dưỡng CBCC quyết định mức chi thù lao cho giảng viên, trợ giảng (nếu có), báo cáo viên trong nước (bao gồm cả thù lao soạn giáo án bài giảng) trên cơ sở thỏa thuận theo hình thức hợp đồng công việc phù hợp với chất lượng, trình độ của giảng viên, báo cáo viên trong phạm vi dự toán được giao.
++ Mức chi thù lao tối đa: 3.000.000 đồng/người/buổi (một buổi giảng được tính bằng 4 tiết học).
+ Đối với giảng viên nước ngoài: Tùy theo mức độ cần thiết các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng quyết định việc mời giảng viên nước ngoài.
++ Mức thù lao đối với giảng viên nước ngoài do cơ sở đào tạo, bồi dưỡng quyết định trên cơ sở thỏa thuận tùy theo chất lượng giảng viên và bảo đảm phù hợp với khả năng nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng của đơn vị.
+ Riêng đối với các giảng viên chuyên nghiệp làm nhiệm vụ giảng dạy trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, thì số giờ giảng vượt định mức được thanh toán theo quy định hiện hành về chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo quy định tại Thông tư liên tịch 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.
++ Trường hợp các giảng viên này được mời tham gia giảng dạy tại các lớp học do các cơ sở đào tạo khác tổ chức thì vẫn được hưởng theo chế độ thù lao giảng viên theo quy định.
Mức chi thù lao cho giảng viên, báo cáo viên thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ công chức theo đề xuất Bộ Tài Chính? (Hình ảnh Internet)
Công chức khi tham gia đào tạo bồi dưỡng phải có các trách nhiệm như thế nào?
Căn cứ Điều 3 Nghị định 171/2025/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của công chức khi tham gia đào tạo bồi dưỡng như sau:
- Thực hiện các quy định về đào tạo, bồi dưỡng công chức.
- Không ngừng tự nghiên cứu, tự học tập và chủ động lựa chọn các chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp để tự nâng cao trình độ, năng lực thực thi nhiệm vụ, công vụ.
- Thực hiện chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm bảo đảm thời gian thực hiện tối thiểu hàng năm theo quy định.
- Công chức lãnh đạo, quản lý tham gia giảng dạy các khóa bồi dưỡng công chức thì được tính vào thời gian tham gia chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ hàng năm quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 171/2025/NĐ-CP.
- Thực hiện quy chế đào tạo, bồi dưỡng và chịu sự quản lý của các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân trong thời gian tham gia khóa đào tạo và của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, trường chính trị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong thời gian tham gia khóa bồi dưỡng.
- Thực hiện cam kết về thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị cử đi đào tạo sau khi hoàn thành chương trình đào tạo và thực hiện quy định về đền bù chi phí đào tạo.
Công chức được cử đi đào tạo bồi dưỡng có các quyền lợi nào?
Căn cứ Điều 33 Nghị định 171/2025/NĐ-CP quy định quyền lợi của công chức được cử đi đào tạo bồi dưỡng như sau:
- Đối với công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước:
+ Được cơ quan quản lý, sử dụng bố trí thời gian và kinh phí theo quy định;
+ Được tính thời gian đào tạo, bồi dưỡng vào thời gian công tác liên tục;
+ Được hưởng các chế độ, phụ cấp theo quy định của pháp luật;
+ Được biểu dương, khen thưởng về kết quả xuất sắc trong đào tạo, bồi dưỡng.
- Công chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài được hưởng quyền lợi theo quy định của pháp luật và quy chế của cơ quan, đơn vị.
- Công chức là nữ, là người dân tộc thiểu số, ngoài những quyền lợi được hưởng theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 33 Nghị định 171/2025/NĐ-CP, được hưởng các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về bình đẳng giới và công tác dân tộc.
Xem thêm
Từ khóa: Mức chi thù lao Mức chi thù lao cho giảng viên Thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ công chức Bồi dưỡng cán bộ công chức Cán bộ công chức
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;