Tiêu chuẩn của ngạch pháp chế viên cao cấp từ ngày 15/05/2025
Bài viết dưới đây sẽ cập nhật mới quy định về tiêu chuẩn của ngạch pháp chế viên cao cấp từ ngày 15/05/2025 theo Thông tư 03/2025/TT-BTP của Bộ Tư pháp.
Tiêu chuẩn của ngạch pháp chế viên cao cấp từ ngày 15/05/2025 (Hình từ Internet)
Pháp chế viên cao cấp là công chức như thế nào?
Theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 03/2025/TT-BTP, pháp chế viên cao cấp là công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao nhất về pháp chế ở Trung ương, chịu trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật về nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước hoặc ít nhất một lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên sâu; tham mưu tổng hợp, hoạch định chính sách; xây dựng hoặc thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thực hiện các nội dung công tác pháp chế của ngành, lĩnh vực được giao và nghiên cứu, đề xuất, hướng dẫn nghiệp vụ công tác pháp chế.
Tiêu chuẩn của ngạch pháp chế viên cao cấp từ ngày 15/05/2025
Từ ngày 15/05/2025, tiêu chuẩn của ngạch pháp chế viên cao cấp được quy định như sau:
[1] Tiêu chuẩn chung
- Là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan.
- Công chức được bổ nhiệm vào các ngạch pháp chế viên, nâng ngạch, chuyển ngạch phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và quy định tại Thông tư 03/2025/TT-BTP.
Cơ sở pháp lý: Điều 4 Thông tư 03/2025/TT-BTP.
[2] Tiêu chuẩn cụ thể
- Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ
+ Am hiểu sâu sắc và vận dụng thành thạo các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có liên quan, văn bản của cấp trên, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội về ngành, lĩnh vực được giao; nắm vững tình hình, xu thế phát triển trong nước và thế giới về ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao;
+ Có kiến thức, hiểu biết chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ công tác pháp chế và văn bản quy phạm pháp luật của ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao; áp dụng thành thạo các kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ công tác pháp chế trong việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao;
+ Có năng lực đề xuất, tham mưu hoạch định chính sách; có kỹ năng chuyên sâu trong việc soạn thảo, góp ý, thẩm định các văn bản liên quan đến chức trách, nhiệm vụ được giao;
+ Có năng lực hướng dẫn áp dụng pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ về pháp chế theo ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao;
+ Có khả năng làm việc độc lập, làm việc nhóm và phối hợp tốt với cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ được giao;
+ Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng vị trí việc làm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng
+ Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành luật;
+ Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ pháp chế;
+ Có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính;
+ Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương hoặc có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính.
Cơ sở pháp lý: Khoản 3, 4 Điều 5 Thông tư 03/2025/TT-BTP.
Ngạch pháp chế viên cao cấp có những nhiệm vụ như thế nào?
Theo khoản 2 Điều 5 Thông tư 03/2025/TT-BTP, Ngạch pháp chế viên cao cấp có những nhiệm vụ như sau:
- Chủ trì tổ chức thực hiện một hoặc một số nội dung công tác pháp chế; tổ chức thi hành pháp luật đối với nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước được giao hoặc ít nhất một lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên sâu;
- Chủ trì xây dựng các văn bản của Đảng, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế, chương trình, đề án, dự án về lĩnh vực quản lý nhà nước được giao;
- Chủ trì thẩm định, tham gia ý kiến đối với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực;
- Chủ trì kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao;
- Chủ trì nghiên cứu đề tài, đề án, các công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp ban, cấp ngành hoặc cấp tỉnh về ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao;
- Chủ trì nghiên cứu, đề xuất, tổ chức thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác pháp chế nói chung và của ngành, lĩnh vực nói riêng;
- Chủ trì việc tổ chức biên soạn, xây dựng các tài liệu hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về công tác pháp chế; tổ chức tập huấn chuyên đề, bồi dưỡng nghiệp vụ hoặc phổ biến kiến thức, kinh nghiệm về công tác pháp chế theo ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao;
- Chủ trì tổng hợp, kết nối triển khai thực hiện, tham mưu tổng hợp các nhiệm vụ, quyền hạn pháp chế trong bộ, cơ quan ngang bộ;
- Thực hiện một trong các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Chương II Nghị định 55/2011/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 56/2024/NĐ-CP);
- Phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao;
- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác được giao và theo quy định của pháp luật.
Xem thêm
Từ khóa: pháp chế viên ngạch pháp chế viên cao cấp công tác pháp chế chứng chỉ Tiêu chuẩn của ngạch pháp chế viên cao cấp
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;
Bài viết mới nhất
