Sẽ không quy định xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo tại Luật Nhà giáo
Tại Báo cáo 1256/BC-UBTVQH15 ngày 17/4/2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ không quy định xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo tại Luật Nhà giáo.
Nội dung chính
Sẽ không quy định xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo tại Luật Nhà giáo (Hình từ Internet)
Sẽ không quy định xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo tại Luật Nhà giáo
Tại Báo cáo 1256/BC-UBTVQH15 ngày 17/4/2025 về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những nội dung giải trình về các vấn đề xoay quanh xây dựng các chính sách tại Luật này. Đáng chú ý là nội dung liên quan đến chính sách tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo.
Cụ thể, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong bảng lương hành chính sự nghiệp để tương thích với khả năng thay đổi chính sách lương trong tương lai. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo; quy định bảng lương linh hoạt theo cấp học, thâm niên của nhà giáo.
Về ý kiến nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình như sau:
Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức; do vậy, lương của nhà giáo thực hiện theo thang bảng lương hành chính sự nghiệp áp dụng cho đối tượng viên chức. Chính sách về tiền lương, phụ cấp của viên chức hiện đang được quy định trong văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, do vậy, nếu chính sách lương cho viên chức có thay đổi thì vẫn phù hợp với đội ngũ nhà giáo với tư cách là viên chức. Dự thảo Luật đã quy định, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp (điểm a khoản 1 Điều 25); ngoài ra, nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng được quy định bởi pháp luật (điểm b khoản 1 Điều 25). Do vậy, đề nghị không quy định xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo.
Về việc quy định bảng lương nhà giáo linh hoạt theo cấp học, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng trong quá trình xây dựng chính sách lương theo vị trí việc làm. Do vậy, đề nghị chưa quy định nội dung này trong dự thảo Luật.
Với nội dung giải trình nêu trên, Luật Nhà giáo sẽ không có nội dung quy định xây dựng bảng lương riêng cho nhà giáo; quy định bảng lương linh hoạt theo cấp học, thâm niên của nhà giáo.
Một số giải trình, tiếp thu ý kiến có liên quan đến chính sách tiền lương của nhà giáo
Cũng tại Báo cáo này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình, tiếp thu các ý kiến khác liên quan đến chính sách tiền và phụ cấp của nhà giáo như sau:
[1] Có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật chỉ nên quy định nguyên tắc và giao Chính phủ cụ thể hóa chính sách tiền lương đối với nhà giáo phù hợp với vị trí việc làm, phù hợp với chủ trương và lộ trình đổi mới chính sách tiền lương; đề nghị quy định bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo. Có ý kiến cho rằng dự thảo Luật chưa có quy định về xếp lương đối với người đang thực hiện chế độ tập sự, thử việc hoặc thỉnh giảng; đề nghị rà soát lại các quy định về chế độ phụ cấp, chế độ đặc thù đối với nhà giáo trong dự thảo Luật để bảo đảm quy định phù hợp với chủ trương đổi mới chính sách tiền lương.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết về tiền lương và phụ cấp cho nhà giáo (khoản 4 Điều 25).
Việc bảo lưu phụ cấp thâm niên cho nhà giáo đã được quy định trong điều khoản chuyển tiếp (khoản 2 Điều 46).
Việc xếp lương đối với người đang thực hiện chế độ tập sự, thử việc, nhà giáo thỉnh giảng sẽ được quy định chi tiết trong văn bản hướng dẫn thi hành.
Quy định về tiền lương tại dự thảo Luật mang tính nguyên tắc, bảo đảm thống nhất với quy định pháp luật hiện hành và phù hợp với chủ trương của Đảng về chính sách tiền lương.
[2] Một số ý kiến băn khoăn, chưa đồng thuận với quy định về tăng 01 bậc lương cho nhà giáo được tuyển dụng lần đầu; đề nghị đánh giá tác động kỹ, giải trình thuyết phục hơn sự cần thiết của chính sách, bảo đảm khả thi, thống nhất và bình đẳng với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng bỏ quy định xếp lương khởi điểm tăng 01 bậc đối với nhà giáo lần đầu tuyển dụng mới để bảo đảm tương quan với các viên chức, người lao động các ngành, lĩnh vực khác.
[3] Một số ý kiến cho rằng, quy định chính sách tiền lương áp dụng đối với nhà giáo ngoài công lập không ít hơn tiền lương của nhà giáo công lập có cùng trình độ đào tạo, cùng chức danh là chưa hợp lý, vi phạm nguyên tắc tự nguyện, tự chủ của cơ sở giáo dục ngoài công lập, có thể dẫn đến việc tăng học phí và các khoản phụ thu khác, ảnh hưởng đến chính sách xã hội hóa giáo dục.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, đã chỉ đạo chỉnh sửa quy định về tiền lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động (khoản 2 Điều 25).
Chính sách tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo từ 01/01/2026 (Dự kiến)
Tại Điều 25 Dự thảo Luật Nhà giáo mới nhất đã có nội dung nêu ra chính sách tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo từ 01/01/2026 như sau:
[1] Tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được quy định như sau:
- Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp;
- Phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật;
- Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo ở một số ngành, nghề đặc thù được hưởng chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với nhà giáo làm việc trong điều kiện bình thường.
[2] Tiền lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.
[3] Nhà giáo công tác ở các ngành, nghề có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù theo quy định và chỉ được hưởng ở một mức cao nhất nếu chính sách đó trùng với chính sách dành cho nhà giáo.
Xem thêm
Từ khóa: Bảng lương Bảng lương riêng cho nhà giáo Luật Nhà giáo Nhà giáo Bảng lương hành chính sự nghiệp
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;