Nhấn vào mũi tên để hiển thị chuyên mục con hoặc nhấn vào tiêu đề để lọc theo chuyên mục cha
05 thỏa thuận trái pháp luật khi ký hợp đồng lao động mà người lao động cần biết
Tôi sắp ký hợp đồng lao động với công ty, vậy những thỏa thuận nào là trái pháp luật khi ký kết hợp đồng lao động? - Ngọc Linh (Bình Dương)
1. Thỏa thuận không tham gia bảo hiểm khi ký hợp đồng lao động
Theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì người lao động làm việc từ đủ 01 tháng trở lên và người sử dụng lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội.
Như vậy, việc thỏa thuận không tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế đối với các đối tượng bắt buộc tham gia như trên là một thỏa thuận trái pháp luật.
Mức phạt hành vi thỏa thuận không tham gia bảo hiểm:
* Đối với người lao động:
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định.
* Đối với người sử dụng lao động: Tùy vào hành vi cụ thể mà người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt với các mức phạt sau:
- Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối nếu có hành vi đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp mà không phải là trốn đóng.
- Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng nếu không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng nếu trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
(Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
Những thỏa thuận trái pháp luật khi ký hợp đồng lao động mà người lao động cần biết (Hình từ Internet)
2. Thỏa thuận không được làm thêm cho công ty khác
Khoản 1 Điều 19 Bộ luật Lao động 2019 đã quy định rõ:
“Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động nhưng phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung đã giao kết”.
Như vậy, người lao động hoàn toàn có quyền được làm việc cho công ty khác miễn sao đảm bảo được công việc tại công ty đang làm. Do đó, thỏa thuận không được làm thêm cho công ty khác là thỏa thuận trái pháp luật.
3. Cam kết làm việc dài hạn cho công ty
Theo Bộ luật Lao động 2019 có 02 loại hợp đồng lao động: Hợp đồng lao động xác định thời hạn (được ký tối đa 36 tháng) và hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Mặc dù ký loại hợp đồng lao động thì người lao động cũng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng chỉ cần đáp ứng điều kiện báo trước (trong một số trường hợp không cần báo trước) theo Điều 35 Bộ luật Lao động 2019.
Như vậy, việc thỏa thuận cam kết làm việc dài hạn cho công ty đã vi phạm quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động.
4. Thỏa thuận không làm việc cho công ty đối thủ
Theo khoản 1 Điều 10 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được tự do lựa chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm.
Do đó, thỏa thuận không làm việc cho công ty đối thủ là một thỏa thuận trái luật.
Tuy nhiên, nếu người lao động đang làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về việc không làm việc cho công ty đối thủ trong một khoảng thời gian nhất định.
5. Thỏa thuận lương thấp hơn lương tối thiểu vùng trong hợp đồng lao động
Tiền lương người lao động nhận được bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.
Trong đó, mức lương theo công việc hoặc chức danh không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
Mức lương tối thiểu vùng hiện nay được quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP như sau:
- Mức lương tối thiểu vùng theo tháng:
+ Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng.
+ Vùng II: 4.160.000 đồng/tháng.
+ Vùng III: 3.640.000 đồng/tháng.
+ Vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng.
- Mức lương tối thiểu vùng theo giờ:
+ Vùng I: 22.500 đồng/giờ;
+ Vùng II: 20.000 đồng/giờ;
+ Vùng III: 17.500 đồng/giờ;
+ Vùng IV: 15.600 đồng/giờ.
Như vậy, khi ký kết hợp đồng lao động, người lao động cần chú ý đến mức lương tối thiểu để đảm bảo quyền lợi quyền lợi cho mình.
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];
Mùng 1 Tết có phải là ngày lễ lớn tại Việt Nam? Làm việc vào ngày này được hưởng lương như thế nào?
Tổng hợp những câu chúc Tết Âm lịch 2025 dành cho nhân viên hay và ý nghĩa nhất?Công ty có nghĩa vụ thưởng Tết cho nhân viên theo quy định pháp luật không?
Đưa ông bà cúng gì dịp Tết Nguyên đán 2025? Mẫu văn khấn cúng đưa ông bà dịp Tết Nguyên đán 2025 như thế nào? Có được tạm ứng tiền lương trước khi nghỉ tết không?
Mâm lễ cúng giao thừa ngoài trời: Nghi lễ quan trọng đón năm mới bình an? Mẫu văn khấn cúng giao thừa ngoài trời chuẩn nhất?