Người lao động sử dụng các biện pháp tránh thai được hưởng chế độ thai sản kể từ ngày 1/7/2025
Người lao động sử dụng các biện pháp tránh thai được hưởng chế độ thai sản kể từ ngày 1/7/2025. Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản khi thực hiện các biện pháp tránh thai được quy định như thế nào?
Người lao động sử dụng các biện pháp tránh thai có được hưởng chế độ thai sản kể từ ngày 1/7/2025 không?
Căn cứ khoản 1 Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, từ ngày 1/7/2025, chính thức áp dụng chế độ thai sản cho các đối tượng dưới đây khi thỏa mãn các điều kiện hưởng chế độ thai sản:
(1) Lao động nữ mang thai
(2) Lao động nữ sinh con
(3) Lao động nữ mang thai hộ
(4) Lao động nữ nhờ mang thai hộ
(5) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi
(6) Người lao động sử dụng các biện pháp tránh thai mà các biện pháp đó phải được thực hiện tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
(7) Lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc có vợ sinh con, vợ mang thai hộ sinh con
Theo đó, khi người lao động sử dụng các biện pháp tránh thai mà các biện pháp đó được thực hiện tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì sẽ thuộc đối tượng được hưởng chế độ thai sản.
So với quy định hiện hành về đối tượng được hưởng chế độ thai sản tại điểm đ khoản 1 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014: "Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản" Phạm vi được hưởng chế độ thai sản theo quy định hiện hành hẹp hơn nhiều so với quy định mới được áp dụng từ ngày 1/7/2025. Bởi lẽ, hiện tại có nhiều biện pháp tránh thai, ngoài biện pháp đặt vòng còn biện pháp khác như cấy que tránh thai. Như vậy, nếu chỉ quy định lao động nữ đặt vòng tránh thai mới được hưởng chế độ thai sản, thì lao động nữ thực hiện cấy que tránh thai sẽ không được hưởng chế độ thai sản từ bảo hiểm. Ở quy định mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, phạm vi áp dụng rộng hơn, bao quát được tất cả các biện pháp tránh thai khi người lao động sử dụng và không giới hạn cho lao động nam hay nữ. |
Người lao động sử dụng các biện pháp tránh thai có được hưởng chế độ thai sản không? (Hình từ internet)
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản khi thực hiện các biện pháp tránh thai được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản khi thực hiện các biện pháp tránh thai bao gồm:
[1] Thời gian người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi thực hiện các biện pháp tránh thai do người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định nhưng không quá 07 ngày đối với lao động nữ đặt dụng cụ tránh thai trong tử cung và không quá 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.
[2] Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại mục [1] tính cả ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hằng tuần.
Người tham gia và người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội có trách nhiệm gì?
Căn cứ Điều 11 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định:
[1] Người tham gia bảo hiểm xã hội có trách nhiệm sau đây:
+ Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
+ Theo dõi việc thực hiện trách nhiệm về bảo hiểm xã hội đối với mình.
+ Thực hiện việc kê khai chính xác, trung thực, đầy đủ thông tin theo đúng quy định về đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội.
[2] Người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội có trách nhiệm sau đây:
+ Thực hiện các quy định về trình tự, thủ tục, quy định khác về hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định Luật Bảo hiểm xã hội 2024 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
+ Hoàn trả tiền hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền xác định việc hưởng không đúng quy định.
+ Định kỳ hằng năm, người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội qua tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan bảo hiểm xã hội ủy quyền để thực hiện việc xác minh thông tin đủ điều kiện thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Người tham gia bảo hiểm xã hội có những quyền gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 10 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 quy định người tham gia bảo hiểm có các quyền sau đây:
(1) Hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
(2) Được cấp sổ bảo hiểm xã hội.
(3) Được cơ quan bảo hiểm xã hội định kỳ hằng tháng cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội thông qua phương tiện điện tử; được cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận thông tin về đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu.
(4) Yêu cầu người sử dụng lao động và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện đầy đủ trách nhiệm về bảo hiểm xã hội đối với mình theo quy định của pháp luật
(5) Được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.
(6) Chủ động đi khám giám định y khoa để xác định mức suy giảm khả năng lao động nếu thuộc trường hợp đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và được thanh toán phí giám định y khoa khi kết quả giám định y khoa đủ điều kiện để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
(7) Khiếu nại, tố cáo và khởi kiện về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025
Xem thêm
Từ khóa: Chế độ thai sản Người lao động sử dụng các biện pháp tránh thai Nghỉ hưởng chế độ thai sản Hưởng chế độ bảo hiểm xã hội Bảo hiểm xã hội bắt buộc
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;