Nhấn vào mũi tên để hiển thị chuyên mục con hoặc nhấn vào tiêu đề để lọc theo chuyên mục cha
Công văn 1581/BGDĐT-GDPT giao cấp xã quản lý trường học từ mầm non đến THCS?
Quy định về giao cấp xã quản lý trường học từ mầm non đến THCS theo Công văn 1581/BGDĐT-GDPT? Nhiệm vụ và quyền hạn của trường trung học?
Công văn 1581/BGDĐT-GDPT giao cấp xã quản lý trường học từ mầm non đến THCS
Ngày 08/04, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn 1581/BGDĐT-GDPT về việc bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập tại các đơn vị hành chính khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, cụ thể như sau:
- Thực hiện giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục và chuyển giao cho chính quyền cấp xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục đối với các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non theo Kết luận số 137-KL/TW ngày 28/3/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ban hành văn bản hướng dẫn nội dung quản lý nhà nước về giáo dục do cấp huyện đang quản lý chuyển cho các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND cấp xã khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại chính quyền địa phương 02 cấp theo phụ lục đính kèm.
- Chỉ đạo Sở GDĐT tổ chức Hội nghị triển khai trong toàn ngành giáo dục để quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung quản lý nhà nước về giáo dục ngay sau khi thực hiện chính quyền địa phương 02 cấp; thành lập các tổ công tác để thường xuyên, liên tục tiếp nhận thông tin, tư vấn, giải quyết các nội dung phát sinh trong thực tiễn triển khai, hướng dẫn thực hiện và báo cáo kịp thời đến đến cơ quan cấp trên đối với các nội dung vượt thẩm quyền quản lí.
- Tổ chức tuyên truyền phổ biến về các chủ trương, chính sách, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và hướng dẫn của Bộ GDĐT trong việc đảm bảo chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục công lập khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 02 cấp để người dân, doanh nghiệp biết, thực hiện. Đồng thời, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc việc thanh tra, kiểm tra đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đang tham gia vào các hoạt động giáo dục, đào tạo ở địa phương để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những vướng mắc, sai phạm (nếu có).
Bộ GDĐT đề nghị UBND cấp tỉnh triển khai thực hiện theo thẩm quyền, trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị báo cáo kịp thời về Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục Phổ thông, địa chỉ số 35 Đại Cồ Việt, Quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội) để phối hợp giải quyết."
Tải về Công văn 1581/BGDĐT-GDPT.
Công văn 1581/BGDĐT-GDPT giao cấp xã quản lý trường học từ mầm non đến THCS? (Hình từ Internet)
Nhiệm vụ và quyền hạn của trường trung học?
Căn cứ theo Điều 3 Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của trường trung học như sau:
[1] Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển nhà trường gắn với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; xác định tầm nhìn, sứ mệnh, các giá trị cốt lõi về giáo dục, văn hóa, lịch sử và truyền thống của nhà trường.
[2] Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường theo chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Phối hợp với gia đình học sinh, tổ chức và cá nhân trong tổ chức các hoạt động giáo dục.
[3] Tuyển sinh và tiếp nhận học sinh, quản lý học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
[4] Thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục trong phạm vi được phân công.
[5] Tổ chức cho giáo viên, nhân viên, học sinh tham gia các hoạt động xã hội.
[6] Quản lý giáo viên, nhân viên theo quy định của pháp luật.
[7] Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực cho hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật.
[8] Quản lý, sử dụng và bảo quản cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định của pháp luật.
[9] Thực hiện các hoạt động về bảo đảm chất lượng giáo dục, đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
[10] Thực hiện công khai về cam kết chất lượng giáo dục, các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và thu, chi tài chính theo quy định của pháp luật.
[11] Thực hiện dân chủ, trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục trong quản lý các hoạt động giáo dục; bảo đảm việc tham gia của học sinh, gia đình và xã hội trong quản lý các hoạt động giáo dục theo quy định của pháp luật.
[12] Thực hiện các nhiệm vụ và quyền khác theo quy định của pháp luật.
Phân cấp quản lý các trường trung học như thế nào?
Căn cứ theo Điều 6 Điều lệ trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định về phân cấp quản lý như sau:
[1] Trường trung học cơ sở và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học cơ sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thành lập, Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý.
[2] Trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng nội dung phối hợp quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục có liên quan của trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là trung học phổ thông.
[3] Trường chuyên biệt có quy chế tổ chức và hoạt động riêng thì thực hiện phân cấp quản lý theo quy chế tổ chức và hoạt động của loại trường chuyên biệt đó.
- Nội dung nêu trên được NhanSu.vn biên soạn và chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế thông tin chính thức từ nhà tuyển dụng;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];