Công tố viên là gì và ở Việt Nam có công tố viên không?
Công tố viên là ai và liệu Việt Nam có chức danh này không? Nếu muốn trở thành Kiểm sát viên tại Việt Nam thì cần học ngành gì?
Công tố viên là gì và ở Việt Nam có công tố viên không?
Công tố viên là gì?
Theo định nghĩa chung trên thế giới thì công tố viên hay còn gọi là Prosecutor, là một chức danh thuộc cơ quan công trong hệ thống tư pháp. Công tố viên có trách nhiệm chính trong việc điều tra, truy tố và buộc tội người phạm pháp trong các vụ án hình sự trước tòa án.
Bên cạnh vai trò tố tụng hình sự, công tố viên còn có vai trò chính là đại diện cho lợi ích của Nhà nước hoặc công chúng trong việc bảo đảm pháp luật được thực thi một cách nghiêm chỉnh, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mọi công dân.
Ở Việt Nam có công tố viên không?
Tại Việt Nam không có chức danh là công tố viên. Mà thay vào đó người thực hiện các chức năng tương tự như công tố viên ở Việt Nam được gọi là Kiểm sát viên thuộc Viện kiểm sát nhân dân.
Theo căn cứ tại Điều 74 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 quy định như sau:
Kiểm sát viên
Kiểm sát viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.
Như vậy, về mặt pháp lý và chức danh chính thức thì Việt Nam không có công tố viên mà chỉ có Kiểm sát viên. Tuy nhiên, về mặt chức năng và nhiệm vụ thì Kiểm sát viên tương đương với chức danh công tố viên ở nhiều quốc gia khác.
Công tố viên là gì và ở Việt Nam có công tố viên không? (Hình từ Internet)
Muốn làm Kiểm sát viên thì học ngành gì?
Để trở thành Kiểm sát viên tại Việt Nam thì cần đáp ứng tiêu chuẩn chung tại Điều 75 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 như sau:
Tiêu chuẩn chung của Kiểm sát viên
1. Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
2. Có trình độ cử nhân luật trở lên.
3. Đã được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát.
4. Có thời gian làm công tác thực tiễn theo quy định của Luật này.
5. Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Theo đó, một trong các tiêu chí để có thể trở thành Kiểm sát viên tại Việt Nam là đòi hỏi phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành Luật trở lên và trải qua đào tạo nghiệp vụ kiểm sát.
Một số trường đào tạo ngành Luật bao gồm Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế - Luật TP. Hồ Chí Minh,... và nhiều trường khác có khoa Luật.
Kiểm sát viên có nhiệm vụ và quyền hạn ra sao?
Căn cứ theo Điều 83 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên như sau:
- Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân.
Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình trong việc thực hành quyền công tố, tranh tụng tại phiên tòa và kiểm sát hoạt động tư pháp.
Kiểm sát viên phải chấp hành quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì Kiểm sát viên có quyền từ chối nhiệm vụ được giao và phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với Viện trưởng; trường hợp Viện trưởng vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và Kiểm sát viên phải chấp hành nhưng không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo lên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên có thẩm quyền. Viện trưởng đã quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm kiểm tra, xử lý nghiêm minh đối với vi phạm pháp luật của Kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ được giao; có quyền rút, đình chỉ hoặc hủy bỏ các quyết định trái pháp luật của Kiểm sát viên.
- Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp do luật định.
- Trong vụ việc có nhiều Kiểm sát viên tham gia giải quyết thì Kiểm sát viên ở ngạch thấp hơn phải tuân theo sự phân công, chỉ đạo của Kiểm sát viên ở ngạch cao hơn.
- Khi thực hiện nhiệm vụ, Kiểm sát viên có quyền ra quyết định, kết luận, yêu cầu, kiến nghị theo quy định của pháp luật.
Từ khóa: Công tố viên Công tố viên là gì Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân Ở Việt Nam có công tố viên không kiểm sát hoạt động tư pháp quyền công tố Thực hành quyền công tố
- Nội dung nêu trên được NhanSu.vn biên soạn và chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho các tư vấn chuyên sâu từ chuyên gia.
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng.
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;
Bài viết mới nhất
