Nhấn vào mũi tên để hiển thị chuyên mục con hoặc nhấn vào tiêu đề để lọc theo chuyên mục cha
Bệnh giang mai là gì? Nguyên nhân chính gây ra bệnh giang mai?
Bệnh giang mai là gì? Nguyên nhân chính gây ra bệnh giang mai? Giang mai lây qua đường nào? Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh giang mai? Phòng chống bệnh giang mai?
Nội dung chính
Bệnh giang mai là gì? Nguyên nhân chính gây ra bệnh giang mai?
Bài viết dưới đây giúp bạn hiểu rõ hơn về Bệnh giang mai là gì? Nguyên nhân chính gây ra bệnh giang mai? Giang mai lây qua đường nào? Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh giang mai? Phòng chống bệnh giang mai?
(1) Bệnh giang mai là gì?
- Bệnh giang mai là một bệnh nhiễm khuẩn do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Vi khuẩn giang mai xâm nhập trực tiếp vào cơ thể khi quan hệ không được bảo vệ (đường âm đạo, hậu môn hay miệng), qua các vết xước trên da và niêm mạc khi tiếp xúc với dịch tiết từ tổn thương giang mai.
- Xoắn khuẩn giang mai còn có thể lây truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ bào thai từ tháng thứ 4 trở đi, do xoắn khuẩn này xâm nhập máu thai nhi qua dây rốn.
- Do cấu tạo của bộ phận sinh dục ở dạng mở mà người phụ nữ dễ bị lây nhiễm các bệnh tình dục hơn nam giới, kể cả bệnh giang mai.
- Bệnh giang mai ở nữ giới nếu không điều trị kịp thời rất có thể gây nên những tổn thương tại tất cả các bộ phận trong cơ thể như viêm loét bộ phận sinh dục, phát ban ngoài da, đau nhức cơ xương, thậm chí gây ảnh hưởng đến nội tạng.
(2) Nguyên nhân chính gây ra bệnh giang mai?
- Tác nhân gây bệnh là xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum) do Schaudinn và Hauffman tìm ra vào năm 1905. Xoắn khuẩn này có hình lò xo, bao gồm 6-14 vòng xoắn. Sức đề kháng của xoắn khuẩn này rất yếu, ra khỏi cơ thể nó sống được không quá vài giờ. Trong nước đá, nó vẫn giữ được tính di động rất lâu, ở nhiệt độ 45 độ C nó sẽ bị chết sau 30 phút. Các chất sát khuẩn, xà phòng có thể diệt được xoắn khuẩn này trong vài phút.
(3) Giang mai lây qua đường nào?
- QHTD không an toàn: Đây là con đường lây truyền chính. Vi khuẩn xâm nhập qua da hoặc niêm mạc của bộ phận sinh dục nếu có xảy ra tổn thương trong lúc quan hệ. Các hình thức QHTD dễ mắc bệnh thường là đường miệng, hậu môn, hoặc âm đạo. Nhiều trường hợp có thể bị nhiễm qua dịch cơ thể do vi khuẩn có thể tồn tại trong tinh dịch hoặc dịch âm đạo.
- Qua đường máu: Bệnh lây qua đường máu khi tiếp xúc với máu của người bệnh. Sự lây truyền này thường gặp trong các trường hợp truyền/nhận máu, dùng chung kim tiêm hoặc thiết bị y tế không được khử trùng.
- Qua vết thương trên da và niêm mạc: Bệnh có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp với các vết loét hoặc tổn thương của người bệnh. Quá trình lây nhiễm diễn ra nếu vết thương trên cơ thể người lành tiếp xúc vùng da bị tổn thương chứa xoắn khuẩn. Nhiều trường hợp có thể bị lây bệnh giang mai ở miệng khi hôn môi.
- Từ mẹ sang con: Hình thức lây truyền này xảy ra trong thai kỳ khi đang trong 4 tháng đầu thai kỳ. Hoặc trẻ nhiễm bệnh khi mẹ chuyển dạ và gây nên giang mai bẩm sinh.
- Bệnh giang mai bẩm sinh có thể gây thai lưu hoặc tử vong ở trẻ sơ sinh. Trẻ em mắc giang mai bẩm sinh có thể bị điếc, suy giảm thị lực, khuyết tật trí tuệ và dị tật trên khuôn mặt.
(4) Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh giang mai?
Dấu hiệu, triệu chứng bệnh giang mai xảy ra trong 3 thời kỳ:
- Thời kỳ 1:
+ Đây là thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài khoảng 3 tuần. Sau đó khi qua thời gian ủ bệnh, bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của săng và hạch.
+ Săng giang mai là một vết trợt nông, hình tròn hay bầu dục, không có gờ nổi cao, kích thước khoảng 0,5 - 2cm, giới hạn rõ và đều đặn, đáy sạch màu đỏ như thịt tươi, nền cứng (vì vậy gọi là săng cứng) và bóp không đau.
+ Săng giang mai thường gặp nhất là ở niêm mạc sinh dục. Ở nữ giới sẽ hay gặp ở môi lớn, môi bé, mép âm hộ. Ở nam giới hay gặp ở quy đầu, miệng sáo, bìu, dương vật...
+ Ngoài ra, săng giang mai có thể gặp ở miệng, môi, lưỡi...Hạch sẽ xuất hiện 5 - 6 ngày sau khi có săng, hạch vùng bẹn sưng to và thành chùm, trong đó có một hạch to nhất gọi là hạch chúa.
- Thời kỳ 2:
+ Là giai đoạn 45 ngày sau khi có săng giang mai và có thể kéo dài đến 2 - 3 năm. Xuất hiện các tổn thương da và niêm mạc nhưng khi lành thường không để lại sẹo.
+ Xoắn khuẩn giang mai dễ gây nhiễm trùng huyết với các triệu chứng nóng sốt và nổi hạch. Thời kỳ này thường có các biểu hiện lâm sàng như: các dát đỏ hồng rải rác ở thân mình, sẩn giang mai với nhiều hình thái đa dạng (sẩn màu đỏ hồng, thâm nhiễm và có thể có viền vảy xung quanh, sẩn giang mai dạng vảy nến, dạng trứng cá, sẩn hoạt tử...), sẩn phì đại thường hay gặp ở hậu môn và sinh dục, viêm hạch lan tỏa và bị rụng tóc kiểu rừng thưa.
- Thời kỳ 3:
+ Xuất hiện thường từ 5, 10, 15 năm sau khi có săng với các triệu chứng như săng thương sâu, gôm ở da, xương, nội tạng, tim mạch và thần kinh. Ở giai đoạn này người bệnh ít có khả năng lây nhiễm cho bạn tình vì xoắn khuẩn đã xâm nhập và khu trú vào phủ tạng, không còn ở da, niêm mạc nữa.
* Chú ý: Giữa thời kỳ 1 đến thời kỳ 2, giữa thời kỳ 2 đến thời kỳ 3, bệnh có thể không có các triệu chứng lâm sàng. Đó là giang mai kín và được phát hiện chỉ khi nhờ phát hiện huyết thanh.
(5) Phòng chống bệnh giang mai?
- Xây dựng lối sống lành mạnh, chung thủy một vợ, một chồng.
- Thực hiện hành vi tình dục an toàn, có biện pháp bảo vệ (sử dụng bao cao su).
- Để phòng bệnh giang mai bẩm sinh cần phải phát hiện kịp thời và điều trị cho người mẹ nếu bị bệnh trong khi mang thai. Cần làm các phản ứng huyết thanh một cách có hệ thống cho tất cả các chị em phụ nữ có thai.
- Khi phát hiện bị bệnh cần đến các cơ sở y tế khám và điều trị ngay, không được tự ý mua thuốc điều trị.
Lưu ý: Thông tin về Bệnh giang mai là gì? chỉ mang tính chất tham khảo!
Bệnh giang mai là gì? (Hình ảnh từ Internet)
Bệnh giang mai bẩm sinh có điều trị được không và phương pháp điều trị cụ thể ra sao?
(1) Bệnh giang mai bẩm sinh có điều trị được không?
- Bệnh giang mai được điều trị rất hiệu quả bằng thuốc, điều trị càng sớm thì càng có hiệu quả và không để lại biến chứng. Đây cũng là phương pháp duy nhất để điều trị và phòng ngừa tổn thương bẩm sinh cho thai nhi, bệnh này khi đã gây tổn thương cho thai nhi thì sẽ để lại di chứng lâu dài.
(2) Phương pháp điều trị cụ thể ra sao?
- Căn cứ theo điểm b tiểu mục 3.2.2 Mục 3.2 Phần 3 Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh giang mai ban hành kèm theo Quyết định 5186/QĐ-BYT, thì phương pháp điều trị cụ thể như sau:
- Chỉ định điều trị:
+ Giang mai bẩm sinh được chẩn đoán xác định.
+ Trẻ sơ sinh không có biểu hiện lâm sàng, nhưng có mẹ bị giang mai chưa được điều trị hoặc điều trị chưa đầy đủ hoặc điều trị muộn (trong vòng 30 ngày trước khi sinh) hoặc điều trị với phác đồ không dùng penicillin, không theo hướng dẫn điều trị cho phụ nữ mang thai ở mục 3.2.2.
- Phác đồ điều trị: lựa chọn một trong các phác đồ sau
+ Benzyl penicillin 100.000 – 150.000 đơn vị/kg/ngày, tiêm tĩnh mạch chậm trong 10-15 ngày
+ Procain penicillin 50.000 đơn vị /kg/ngày, tiêm bắp 10-15 ngày.
Nên ưu tiên dùng phác đồ benzyl penicillin hơn phác đồ procain penicillin nếu có thể tiêm tĩnh mạch.
- Trẻ sơ sinh không có triệu chứng lâm sàng và mẹ đã được điều trị giang mai đầy đủ, không có dấu hiệu tái nhiễm, chỉ cần theo dõi chặt chẽ. Nguy cơ lây truyền giang mai từ mẹ sang con phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm hiệu giá kháng thể xét nghiệm không đặc hiệu của mẹ (ví dụ: RPR), thời gian điều trị và giai đoạn bệnh của mẹ. Nếu cần điều trị, sử dụng phác đồ:
Benzathin penicillin G 50.000 đơn vị/kg/ngày, tiêm bắp, liều duy nhất.
Cách phòng bệnh giang mai do Bộ Y tế ban hành quy định như thế nào?
Căn cứ theo Phần IV Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh giang mai ban hành kèm theo Quyết định 5186/QĐ-BY, thì cách phòng bệnh giang mai do Bộ Y tế ban hành quy định như sau:
- Xét nghiệm giang mai cho tất cả phụ nữ mang thai vào lần khám thai đầu tiên sử dụng test nhanh giang mai để phát hiện, điều trị sớm, ngăn ngừa lây truyền giang mai từ mẹ sang con.
- Truyền thông giáo dục cho cộng đồng, đặc biệt quần thể nguy cơ cao (gái mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới) về nguyên nhân gây bệnh, đường lây, biến chứng, cách phòng bệnh, lợi ích của việc xét nghiệm và điều trị sớm.
- Thực hành tình dục an toàn.
- Tập huấn chuyên môn cho các bác sỹ đa khoa, bác sỹ chuyên khoa da liễu và sản phụ khoa ở các tuyến từ trung ương đến địa phương về chẩn đoán sớm, điều trị đúng và đủ bệnh giang mai, giảm tối đa giang mai bẩm sinh.
- Nội dung nêu trên được NhanSu.vn biên soạn và chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế thông tin chính thức từ nhà tuyển dụng;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@nhansu.vn;