Từ khóa gợi ý:
Không tìm thấy từ khóa phù hợp
Việc làm có thể bạn quan tâm
Không tìm thấy việc làm phù hợp

Nghị quyết 74/NQ-HĐND năm 2024 về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025 tỉnh Long An

Số hiệu 74/NQ-HĐND
Ngày ban hành 10/12/2024
Ngày có hiệu lực 10/12/2024
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Long An
Người ký Nguyễn Văn Được
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 74/NQ-HĐND

Long An, ngày 10 tháng 12 năm 2024

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ NĂM 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
KHÓA X - KỲ HỌP THỨ 21

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;

Trên cơ sở xem xét các báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), các Ban của HĐND, Ủy ban nhân dân (UBND), Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu HĐND tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Về hoạt động của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Cục thi hành án dân sự tỉnh năm 2024

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với báo cáo của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, UBND, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và Cục thi hành án dân sự tỉnh trình tại kỳ họp thứ 21 HĐND tỉnh khóa X. Giao các cơ quan trên tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu tham dự kỳ họp để bổ sung, hoàn chỉnh các báo cáo và tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 2. Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025

I. Đánh giá khái quát tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024

Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất với kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 của UBND tỉnh và báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, cụ thể như sau:

Trong năm 2024, kinh tế của tỉnh còn khó khăn, thách thức nhưng nhờ sự quan tâm của Chính phủ, Tỉnh ủy, giám sát thường xuyên của HĐND tỉnh, chỉ đạo kịp thời, hiệu quả của UBND tỉnh và sự nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của các sở, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có sự phục hồi rõ nét, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước, cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra, đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; ước cả năm 2024 dự kiến đạt, vượt 21/21 chỉ tiêu chủ yếu, cụ thể là:

Tăng trưởng kinh tế từng bước phục hồi mạnh mẽ, tăng qua từng quý[1]; tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP đạt khoảng 8,3%; với tốc độ tăng trưởng này, đứng thứ 3 trong vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Cơ cấu kinh tế tiếp tục duy trì theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,82% GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 52,08%; khu vực dịch vụ chiếm 26,40%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,70%. Đời sống người dân được cải thiện với GRDP bình quân đầu người đạt 107,3 triệu đồng/người/năm, tăng 10,7 triệu đồng so với năm 2023. Tiếp tục tập trung thực hiện 03 công trình trọng điểm, 03 chương trình đột phá, tiến độ nhìn chung đạt yêu cầu đề ra. Trong điều kiện nắng nóng, xâm nhập mặn những tháng đầu năm diễn biến phức tạp; giá vật tư vẫn duy trì ở mức cao nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn giữ mức tăng trưởng khá so cùng kỳ. Tuy vẫn còn một số khó khăn nhất định nhưng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng có mức tăng trưởng tích cực, đặc biệt trong quý IV ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ so với cùng kỳ (tăng 14,37% so với cùng kỳ), vẫn phát huy được vai trò động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Hoạt động thương mại và dịch vụ tiếp tục phát triển nhờ triển khai hiệu quả của các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch nội tỉnh tới các tỉnh/thành và thế giới được đẩy mạnh, tổ chức thành công Tuần Văn hóa - Du lịch - Thể thao tỉnh Long An lần thứ 2. Tăng cường kết nối, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước; khởi công nhiều dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có giá trị gia tăng cao; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 cải thiện đáng kể, đứng thứ 02/63 tỉnh, thành trong cả nước. Thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tỷ lệ giải ngân đạt tốt, thuộc top đầu cả nước. Văn hóa - xã hội phát triển ổn định; công tác chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; đời sống vật chất và tinh thần của người dân tiếp tục được cải thiện và nâng lên. Tập trung chuẩn bị các nội dung Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025-2030. Công tác quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng được tập trung thực hiện quyết liệt.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết HĐND tỉnh năm 2024 còn một số khó khăn, hạn chế; cụ thể như sau:

- Biến đổi khí hậu, dịch bệnh tác động đến sản xuất nông nghiệp; tình hình tiêu thụ một số nông sản vẫn chưa ổn định; giá vật tư đầu vào vẫn duy trì mức cao, ảnh hưởng đến sản xuất và giảm lợi nhuận của người dân.

- Hoạt động sản xuất kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn; số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư được tập trung thực hiện, đạt kết quả tích cực nhưng vẫn còn một số dự án gặp vướng mắc, khó khăn, chậm giải quyết tháo gỡ dứt điểm. Một số chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước thấp so với bình quân của tỉnh. Thu ngân sách có nhiều tín hiệu tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số địa phương có tỷ lệ thu thấp.

- Công tác đào tạo nghề cho người lao động có chuyển biến nhưng chưa mạnh, chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp đối với các lĩnh vực nhu cầu trình độ tay nghề cao, kết quả thực hiện công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng còn thấp so với chỉ tiêu đề ra. Tuyển dụng giáo viên còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu của địa phương. Đội ngũ nhân lực y tế làm việc trong các cơ sở công lập còn thiếu, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

- Thị trường bất động sản trầm lắng, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tiềm năng về dịch vụ, du lịch chưa được khai thác đúng mức; nhất là dịch vụ lưu trú, mua sắm. Phát triển dịch vụ cảng biển còn chậm so với tiềm năng lợi thế.

- Tội phạm về trật tự xã hội có giảm so với cùng kỳ. Tuy nhiên, một số nhóm tội phạm tăng đáng chú ý là tội phạm về ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy, tội phạm mạng vẫn còn diễn biến phức tạp; khu vực biên giới vẫn còn tiềm ẩn nhiều vấn đề cần quan tâm... Công tác giải quyết đơn thư của cấp có thẩm quyền còn bất cập chưa giải quyết dứt điểm từ cơ sở; tình hình tố cáo có chiều hướng tăng so với cùng kỳ, một số vụ việc giải quyết tố cáo còn phải gia hạn thời gian giải quyết; việc theo dõi, chỉ đạo, khắc phục, xử lý các tồn tại, hạn chế sau kiểm tra, thanh tra, giám sát có mặt còn chậm, kéo dài.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế:

- Về nguyên nhân khách quan: Tình hình chính trị, kinh tế thế giới bất ổn; chuỗi cung ứng chưa nối lại hoàn toàn; yêu cầu đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội là rất lớn nhưng nguồn lực ngân sách còn hạn chế, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu của người dân, nhà đầu tư. Biến đổi khí hậu, hạn hán xâm nhập mặn, mưa lũ có chiều hướng phức tạp, khó lường.

- Về nguyên nhân chủ quan: Sự lãnh đạo chính quyền một số nơi chưa thật sự quyết liệt, xuyên suốt, thiếu giải pháp khả thi và đồng bộ, nhất là việc tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại, vướng mắc kéo dài. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa thực sự chặt chẽ, chưa kịp thời, đồng bộ trong việc phối hợp thực hiện các nhiệm vụ. Công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc và tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu đôi lúc chưa sâu sát, quyết liệt. Tâm lý né tránh, đùn đẩy, sợ sai, sợ trách nhiệm còn xảy ra ở một số đơn vị sở, ngành tỉnh và địa phương làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

II. Mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2025

1. Mục tiêu tổng quát

Tập trung phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh để tăng tốc phát triển nhanh và bền vững; triển khai có hiệu quả quy hoạch tỉnh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy nhanh triển khai các công trình trọng điểm, chương trình đột phá của tỉnh tạo động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh; phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ tài nguyên môi trường để nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

2. Chỉ tiêu chủ yếu

2.1. Về kinh tế:

[...]
0

CHỦ QUẢN: Công ty TNHH THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

Mã số thuế: 0315459414, cấp ngày: 04/01/2019, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM.

Đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Tường Vũ

GP thiết lập trang TTĐTTH số 30/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP.HCM cấp ngày 15/06/2022.

Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm số: 4639/2025/10/SLĐTBXH-VLATLĐ cấp ngày 25/02/2025.

Địa chỉ trụ sở: P.702A, Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, phường Phú Nhuận, TP. HCM

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
...loại rủi ro pháp lý, nắm cơ hội làm giàu...
Thư Viện Nhà Đất
Thư Viện Nhà Đất
...hiểu pháp lý, rõ quy hoạch, giao dịch nhanh...