Từ khóa gợi ý:
Không tìm thấy từ khóa phù hợp
Việc làm có thể bạn quan tâm
Không tìm thấy việc làm phù hợp

Công văn 571/CHQ-GSQL năm 2025 về tăng cường quản lý hải quan chống gian lận, giả mạo xuất xứ chuyển tải bất hợp pháp do Cục Hải quan ban hành

Số hiệu 571/CHQ-GSQL
Ngày ban hành 26/03/2025
Ngày có hiệu lực 26/03/2025
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Cục Hải quan
Người ký Lưu Mạnh Tưởng
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

BỘ TÀI CHÍNH
CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 571/CHQ-GSQL
V/v tăng cường quản lý hải quan chống gian lận, giả mạo xuất xứ chuyển tải bất hợp pháp

Hà Nội, ngày 26 tháng 3 năm 2025

 

Kính gửi: Các đơn vị thuộc Cục Hải quan.

Trong thời gian gần đây, Hoa Kỳ đã có những thay đổi lớn về chính sách thương mại theo xu hướng bảo hộ mậu dịch như tăng thuế, áp dụng hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước; đặc biệt, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung Quốc có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam. Dự báo sẽ có luồng hàng hóa lớn từ các nước bị áp mức thuế suất cao có khả năng sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu sang Hoa Kỳ để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Hành vi này dẫn đến nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế phòng vệ thương mại, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam, làm mất uy tín Việt Nam trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính, nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát hải quan, chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; nâng cao nhận thức, năng lực thực thi các quy định của pháp luật về phòng vệ thương mại, quy tắc xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, nâng cao tính tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, Cục Hải quan yêu cầu các Chi cục Hải quan khu vực, các đơn vị nghiệp vụ thực hiện một số nội dung sau:

1. Các Chi cục Hải quan khu vực:

a) Tổ chức quán triệt đến cán bộ, công chức các đơn vị thuộc và trực thuộc tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng cục Hải quan (nay là Cục Hải quan) tại Chỉ thị số 7988/CT-TCHQ ngày 25/12/2019 về tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định chuyển tải bất hợp pháp và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; công văn số 5189/TCHQ-GSQL ngày 13/8/2019 về các biện pháp kiểm tra, xác định xuất xứ, chống gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, xâm phạm quyền SHTT, chuyển tải bất hợp pháp; Căn cứ trên dấu hiệu rủi ro, phương thức thủ đoạn; thông tin về danh sách doanh nghiệp, hàng hóa do Ban Quản lý rủi ro và các đơn vị trong và ngoài ngành cung cấp, để áp dụng đồng bộ, chặt chẽ các biện pháp nghiệp vụ hải quan từ khâu làm thủ tục hải quan cho đến các biện pháp nghiệp vụ khác như quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan, kiểm soát hải quan để ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

b) Kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan đối với doanh nghiệp xác định có dấu hiệu rủi ro cao gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

c) Phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa bàn quản lý xác định mặt hàng, doanh nghiệp trọng điểm có dấu hiệu rủi ro cao, gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp như các doanh nghiệp mới hoạt động xuất nhập khẩu, doanh nghiệp FDI thường xuyên nhập khẩu các mặt hàng có nguồn gốc từ các nước đang bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn; doanh nghiệp đã bị xử lý vi phạm về hành vi khai sai số lượng, tên hàng, mã số HS, trị giá, xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu, ...

d) Chủ động phối hợp, cung cấp thông tin về dấu hiệu nghi ngờ gian lận xuất xứ đối với các lô hàng xuất khẩu cho Phòng cấp chứng từ chứng nhận xuất xứ (C/O) tại địa bàn hoạt động để cơ quan này lưu ý kiểm tra khi thực hiện cấp C/O đối với các lô hàng có vi phạm.

đ) Định kỳ hàng tháng, chậm nhất ngày 10 của tháng kế tiếp, thực hiện báo cáo, đề xuất gửi Cục Hải quan (qua Ban Giám sát quản lý về Hải quan và Ban Quản lý rủi ro) các nội dung: Kết quả triển khai, dấu hiệu vi phạm/hành vi vi phạm đã phát hiện, kết quả xử lý; biện pháp theo dõi tiếp theo. Mẫu báo cáo tại Phụ lục đính kèm công văn này.

e) Trên cơ sở thông tin về doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu có rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp, tiêu chí phân luồng trên hệ thống và các thông tin khác, Chi cục Hải quan khu vực chỉ đạo Hải quan cửa khẩu/Hải quan ngoài cửa khẩu và các đơn vị trực thuộc thực hiện các biện pháp kiểm tra, giám sát và kiểm soát xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, chuyển tải bất hợp pháp đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo đúng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 1966/QĐ-TCHQ ngày 10/7/2015 và các quy trình kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Cục Hải quan.

2. Giao Ban Giám sát quản lý về Hải quan thực hiện:

a) Cung cấp cho Ban Quản lý rủi ro, Ban Nghiệp vụ thuế hải quan và Chi cục Kiểm tra sau thông quan các thông tin, bao gồm:

- Danh mục hàng hóa Hoa Kỳ áp dụng thuế phòng vệ thương mại đối với Trung Quốc (Danh mục bổ sung, có mức thuế rất cao mà Hoa Kỳ áp với Trung Quốc) (Danh mục 1) kèm theo tài liệu, thông tin của hàng hóa (nếu có).

- Danh sách hàng hóa của Việt Nam đang bị Hoa Kỳ đưa vào danh sách điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, ... và nguyên nhân bị điều tra) (Danh mục 2) kèm theo tài liệu, thông tin của hàng hóa (nếu có).

- Danh sách doanh nghiệp, hàng hóa có dấu hiệu rủi ro trong chuyển tải bất hợp pháp, rủi ro trong xuất xứ hàng hóa, nhãn mác hàng hóa trong nhập khẩu, xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ (Danh mục 3) kèm theo tài liệu, thông tin của hàng hóa (nếu có).

- Thông tin đánh giá về những tác động đối với hoạt động xuất nhập khẩu của các mặt hàng thuộc Danh mục 1, Danh mục 2, Danh mục 3 nêu trên (nếu có);

b) Thời điểm cung cấp: Chậm nhất trong vòng 02 ngày kể từ ngày nhận được thông tin từ Bộ Công Thương.

c) Đầu mối tiếp nhận các thông tin liên quan đến vụ việc điều tra chống lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại từ Bộ Công Thương và cử cán bộ tham gia phối hợp điều tra tại cơ sở sản xuất khi có yêu cầu.

d) Tham vấn các Hiệp hội ngành hàng về danh sách doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu có nguy cơ bị Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại dẫn đến rủi ro về gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

3. Giao Ban Nghiệp vụ thuế hải quan thực hiện:

a) Rà soát, xác định, chuyển đổi mã số HS (cấp độ mã HS 8 số) đối với Danh mục các mặt hàng do các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại có mã số HS không tương thích với mã số HS của Việt Nam trên cơ sở các Danh mục do Ban Giám sát quản lý về Hải quan cung cấp.

b) Cung cấp thông tin tên doanh nghiệp, mặt hàng, mã số HS của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có gian lận về mã số HS (nếu có) cho Ban Giám sát quản lý về Hải quan, Ban Quản lý rủi ro, Chi cục Điều tra chống buôn lậu, Chi cục Kiểm tra thông quan, Ban Thanh tra - Kiểm tra để phục vụ hoạt động nghiệp vụ hải quan theo chức năng nhiệm vụ của các đơn vị.

c) Thời điểm cung cấp: Trong thời gian 03 ngày kể từ ngày nhận được Danh mục 1, Danh mục 2, Danh mục 3 (kèm theo tài liệu, thông tin của hàng hóa - nếu có) do Ban Giám sát quản lý về Hải quan cung cấp tại mục a điểm 2 nêu trên, Ban Nghiệp vụ thuế hải quan chuyển kết quả tại mục a điểm này cho Ban Quản lý rủi ro, Ban Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan.

4. Giao Văn phòng Cục Hải quan thực hiện:

a) Đầu mối trao đổi với cơ quan, tổ chức nước ngoài để nắm bắt thông tin về các vấn đề liên quan đến gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và cung cấp ngay cho Ban Quản lý rủi ro, Ban Giám sát quản lý về Hải quan trong thời gian 03 ngày kể từ ngày nhận được thông tin.

b) Đầu mối phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Cục Hải quan để trao đổi với cơ quan, tổ chức nước ngoài các nội dung liên quan đến gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp khi có chỉ đạo của Lãnh đạo Cục.

c) Tuyên truyền và tổ chức họp báo về các nội dung liên quan đến công tác quản lý hải quan về chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp; công khai các vụ việc xử lý khi đã xác định được hành vi vi phạm về gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

5. Giao Ban Công nghệ thông tin và Thống kê Hải quan: Tổng hợp, cung cấp số liệu thống kê cho Ban Quản lý rủi ro, bao gồm:

[...]
0

CHỦ QUẢN: Công ty TNHH THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

Mã số thuế: 0315459414, cấp ngày: 04/01/2019, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM.

Đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Tường Vũ

GP thiết lập trang TTĐTTH số 30/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP.HCM cấp ngày 15/06/2022.

Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm số: 4639/2025/10/SLĐTBXH-VLATLĐ cấp ngày 25/02/2025.

Địa chỉ trụ sở: P.702A, Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, phường Phú Nhuận, TP. HCM

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
...loại rủi ro pháp lý, nắm cơ hội làm giàu...
Thư Viện Nhà Đất
Thư Viện Nhà Đất
...hiểu pháp lý, rõ quy hoạch, giao dịch nhanh...