Thời gian đào tạo nghề luật sư năm 2024 là bao lâu? Những trường hợp nào được miễn đào tạo nghề luật sư?

(có 1 đánh giá)

Em ơi cho anh hỏi: Thời gian đào tạo nghề luật sư hiện nay là bao lâu? Người tập sự hành nghề luật sư có được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa không? Đây là câu hỏi của anh T.G đến từ Vĩnh Phúc.

Thời gian đào tạo nghề luật sư năm 2024 là bao lâu?

Thời gian đào tạo nghề luật sư năm 2024 được quy định tại Điều 12 Luật Luật sư 2006, được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 như sau:

Đào tạo nghề luật sư

1. Người có Bằng cử nhân luật được tham dự khóa đào tạo nghề luật sư tại cơ sở đào tạo nghề luật sư.

2. Thời gian đào tạo nghề luật sư là mười hai tháng.

Người hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư được cơ sở đào tạo nghề luật sư cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư.

3. Chính phủ quy định về cơ sở đào tạo nghề luật sư.

4. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chương trình khung đào tạo nghề luật sư, việc công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài.”

Như vậy, theo quy định trên thì năm 2024 thời gian đào tạo nghề luật sư là mười hai tháng (12 tháng).

Thời gian đào tạo nghề luật sư năm 2024 là bao lâu? Những trường hợp nào được miễn đào tạo nghề luật sư?

Thời gian đào tạo nghề luật sư năm 2024 là bao lâu? (Hình từ Internet)

Những trường hợp nào được miễn đào tạo nghề luật sư?

Những trường hợp nào được miễn đào taọ nghề luật sư, thì căn cứ theo Điều 13 Luật Luật sư 2006 được quy định như sau:

Người được miễn đào tạo nghề luật sư

1. Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên.

2. Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sỹ luật.

3. Đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Toà án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.

4. Đã là thẩm tra viên chính ngành Toà án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát; chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.”

Theo đó, những trường hợp được miễn đào taọ nghề luật sư gồm:

- Đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên.

- Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật; tiến sỹ luật.

- Đã là thẩm tra viên cao cấp ngành Toà án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát; chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật.

- Đã là thẩm tra viên chính ngành Toà án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát; chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.

Người tập sự hành nghề luật sư có được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa không?

Thì căn cứ theo Điều 14 Luật Luật sư 2006, được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 như sau:

Tập sự hành nghề luật sư

1. Người có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư và người quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này được tập sự hành nghề tại tổ chức hành nghề luật sư.

Thời gian tập sự hành nghề luật sư là mười hai tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 16 của Luật này. Thời gian tập sự hành nghề luật sư được tính từ ngày đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư.

Tổ chức hành nghề luật sư phân công luật sư hướng dẫn người tập sự hành nghề luật sư. Luật sư hướng dẫn tập sự phải là người có ít nhất ba năm kinh nghiệm hành nghề luật sư và không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này. Tại cùng một thời điểm, một luật sư không được hướng dẫn quá ba người tập sự.

2. Người tập sự hành nghề luật sư đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư ở địa phương nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư mà mình tập sự và được Đoàn luật sư cấp Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư.

Đoàn luật sư có trách nhiệm giám sát việc tập sự hành nghề luật sư.

3. Người tập sự hành nghề luật sư được giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp nhưng không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật.

Người tập sự hành nghề luật sư được đi cùng với luật sư hướng dẫn gặp gỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, nguyên đơn, bị đơn và các đương sự khác trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính khi được người đó đồng ý; giúp luật sư hướng dẫn nghiên cứu hồ sơ vụ, việc, thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ, việc và các hoạt động nghề nghiệp khác; được tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo sự phân công của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý.

Luật sư hướng dẫn phải giám sát và chịu trách nhiệm về các hoạt động của người tập sự hành nghề luật sư quy định tại khoản này.

4. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định cụ thể việc tập sự hành nghề luật sư.”

Như vậy, người tập sự hành nghề luật sư không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa.

(có 1 đánh giá)
Theo Nguyễn Nhật Vy
2.972