Người tập sự hành nghề luật sư có được bào chữa cho khách hàng không?

Những đối tượng nào cần tham gia tập sự hành nghề luật sư? Trong thời gian tham gia tập sự hành nghề luật sư có được bào chữa cho khách hàng hay không? 

Đối tượng tham gia tập sự hành nghề luật sư và thời gian tập sự hành nghề luật sư

Theo khoản 1 Điều 14 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi Luật Luật sư sửa đổi 2012 đối tượng tham gia tập sự hành nghề luật sư bao gồm:

- Người có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư

- Người đã là điều tra viên sơ cấp, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật.

Thời gian tham gia tập sự hành nghề luật sư

Thời gian tập sự hành nghề luật sư là mười hai tháng được tính từ ngày đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 16 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi Luật Luật sư sửa đổi 2012

- Người đã là điều tra viên sơ cấp, thẩm tra viên chính ngành Tòa án, kiểm tra viên chính ngành Kiểm sát, chuyên viên chính, nghiên cứu viên chính, giảng viên chính trong lĩnh vực pháp luật được giảm hai phần ba thời gian tập sự hành nghề luật sư.

- Người có thời gian công tác ở các ngạch chuyên viên, nghiên cứu viên, giảng viên trong lĩnh vực pháp luật, thẩm tra viên ngành Tòa án, kiểm tra viên ngành Kiểm sát từ mười năm trở lên thì được giảm một nửa thời gian tập sự hành nghề luật sư

Người tập sự hành nghề luật sư có được bào chữa cho khách hàng không?

Người tập sự hành nghề luật sư có được bào chữa cho khách hàng không? (Hình từ Internet)

Người tập sự hành nghề luật sư có được bào chữa cho khách hàng

- Người tập sự hành nghề luật sư được giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp nhưng không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật.

- Người tập sự hành nghề luật sư được đi cùng với luật sư hướng dẫn gặp gỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, nguyên đơn, bị đơn và các đương sự khác trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính khi được người đó đồng ý; giúp luật sư hướng dẫn nghiên cứu hồ sơ vụ, việc, thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ, việc và các hoạt động nghề nghiệp khác; được tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo sự phân công của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý.

- Luật sư hướng dẫn phải giám sát và chịu trách nhiệm về các hoạt động của người tập sự hành nghề luật sư nêu trên.

=>> Như vậy, người tập sự hành nghề luật sư không được bào chữa cho khách hàng tại phiên tòa mà chỉ được tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo sự phân công của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý.

(Khoản 3 Điều 14 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi Luật Luật sư sửa đổi 2012)

Cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cho người tập sự hành nghề luật sư

Căn cứ Điều 15 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi Luật Luật sư sửa đổi 2012 người đã hoàn thành thời gian tập sự hành nghề luật sư sẽ tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư xem xét, lập danh sách những người đủ điều kiện tham dự kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư gửi Liên đoàn luật sư Việt Nam.

Liên đoàn luật sư Việt Nam tổ chức kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư được Hội đồng kiểm tra cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư. Người đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư có thể nộp hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư gửi Ban chủ nhiệm Đoàn luật sư.

Căn cứ Điều 17 Luật Luật sư 2006 được sửa đổi bởi Luật Luật sư sửa đổi 2012 hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư bao gồm

- Đơn đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;

- Phiếu lý lịch tư pháp;

- Giấy chứng nhận sức khỏe;

- Bản sao Bằng cử nhân luật hoặc bản sao Bằng thạc sỹ luật;

- Bản sao Giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư.

Theo Đỗ Thị Thanh Ngọc
2.330