Sinh viên học chuyên ngành luật dân sự ra trường làm gì?

(có 1 đánh giá)

Tôi muốn biết sinh viên chuyên ngành luật dân sự sau khi tốt nghiệp có thể làm việc ở đâu? Có phải nhất thiết sẽ làm tại các cơ quan nhà nước hay không? - Tuấn Kiệt (Vĩnh Long)

1. Ngành luật có những chuyên ngành nào?

Ngành Luật là một ngành tương đối rộng, là đơn vị cấu trúc bên trong của hệ thống pháp luật. Nội dung trong luật bao gồm các quy định điều chỉnh một loại quan hệ xã hội có cùng tính chất cũng như nội dung thuộc đời sống xã hội nhất định.

Trong đó, các chuyên ngành trong ngành Luật bao gồm:

- Chuyên ngành Luật Dân sự: Luật dân sự là chuyên ngành luật giải quyết các vấn đề như: Pháp lý, hôn nhân gia đình, sự tranh chấp giữa cá nhân với tổ chức….

- Chuyên ngành Luật Thương mại: Luật Thương mại là ngành học trang bị cho sinh viên nền tảng kiến thức liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, thuế, kinh tế, tài chính, môi trường, đất đai…

- Chuyên ngành Luật Hành chính: Cung cấp cho sinh viên những kiến thức chuyên sâu về lý luận Nhà nước và pháp luật, kiến thức về cơ cấu tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, về khoa học quản lý nhà nước và điều hành công sở, về công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo …

- Chuyên ngành Luật Hình sự: Luật Hình sự là chuyên ngành trang bị cho sinh viên những kiến thức và kỹ năng trong lĩnh vực tư pháp hình sự.

Song song với đó, trong quá trình đào tạo sinh viên còn được trau dồi kiến thức về luật hình sự, luật thi hành án hình sự, luật tố tụng hình sự. Các bạn sẽ được trang bị khả năng nhận định, đánh giá, đồng thời được tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện pháp luật nhằm phục vụ cho các công tác điều tra phá án.

- Chuyên ngành Luật Kinh tế: Luật kinh tế là một bộ phận của pháp luật về kinh tế. Luật kinh tế có vai trò giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh thương mại, đồng thời đảm bảo quy trình giao thương của các doanh nghiệp ở trong và ngoài nước.

Theo học Luật Kinh tế, sinh viên sẽ được trang bị các môn học quan trọng như Pháp luật về doanh nghiệp, Luật sử hữu trí tuệ, Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Luật đầu tư, Luật cạnh tranh….

- Một số chuyên ngành khác: Luật Nhà nước, Luật Tài chính, Luật Đất đai, Luật Hành chính, Luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Tố tụng Hình sự, Luật Tố tụng Dân sự, Luật Quốc tế,...

Sinh viên học chuyên ngành luật dân sự ra trường làm gì?

Sinh viên học chuyên ngành luật dân sự ra trường làm gì? (Hình từ Internet)

2. Sinh viên học chuyên ngành luật dân sự sẽ học những nội dung gì?

Luật dân sự là một ngành luật tổng hợp những quy phạm điều chỉnh các quan hệ tài sản và một số quan hệ nhân thân trên cơ sở bình đẳng, tự nguyện, tự định đoạt và tự chịu trách nhiệm của các chủ thể tham gia các quan hệ dân sự đó.

Cụ thể, luật dân sự sẽ bao gồm các nguyên tắc và chế định khác nhau như:

- Chế định tài sản và quyền sở hữu;

- Chế định nghĩa vụ dân sự và hợp đồng dân sự, chế định nghĩa vụ hoàn trả do chiếm hữu, sử dụng tài sản, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật;

- Chế định thực hiện công việc không có ủy quyền;

- Chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng;

- Chế định thừa kế;

- Chế định chuyển quyền sử dụng đất;

- Chế định quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.

Trong đó, mỗi chế định của luật dân sự đều có những nguyên tắc riêng trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản và có những quy phạm được tập hợp theo những tiêu chí riêng phù hợp với chế định đó.

Như vậy, sinh viên học chuyên ngành luật dân sự sẽ được đào tạo các kiến thức chuyên ngành về hợp đồng dân sự, tố tụng dân sự hay các vấn đề về luật hôn nhân gia đình, vấn đề về sở hữu công nghiệp hay hợp đồng lao động…

Ngoài ra, còn được nâng cao các kỹ năng giải quyết các vụ án dân sự, kỹ năng soạn thảo hợp đồng, tư vấn pháp luật.

3. Sinh viên học chuyên ngành luật dân sự sẽ ra làm gì?

Nhiều người vẫn đang lầm tưởng sinh viên chuyên ngành luật dân sự sau khi hoàn thành chương trình đào tạo tại các trường đại học và ra trường thì vị trí công việc chỉ có thể đảm nhận bị giới hạn trong khuôn khổ tại các cơ quan nhà nước là chủ yếu hoặc nếu không thì chỉ có thể mở văn văn phòng luật sư.

Với xu thế đào tạo hiện nay của tất cả những trường đại học, sinh viên ngành luật dân sự sẽ đều được trang bị những kiến thức và kỹ năng toàn diện và làm việc trong môi trường năng động.

Đặc biệt, cần phải nắm vững và rõ những kiến thức chuyên ngành đồng thời luôn trao dồi kiến thức kinh tế xã hội. Không ngừng học hỏi, quan sát thực tế trong cuộc sống, tư duy phân tích, phán đoán và giải quyết những vấn đề về pháp lý một cách hiệu quả.

Do đó, nếu sinh viên ngành luật dân sự đảm bảo được trau dồi và rèn luyện các yếu tố trên thì vị trí công việc dành cho sinh viên ngành Luật sẽ rất phong phú và đa dạng không chỉ ở ngành nghề mà còn ở đơn vị, tổ chức có nhu cầu tuyển dụng.

Chính vì vậy, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành luật dân sự có thể làm chuyên viên ở các Ủy ban nhân dân phường xã, các Ủy ban nhân dân quận, huyện hoặc cấp tỉnh, hoặc cơ quan khác như: Hải quan, cơ quan thuế, các cửa khẩu, sân bay.

Ngoài ra, cũng có thể làm ở các Toà án, Viện kiểm sát nhân dân, trở thành luật sư chuyên về lĩnh vực hành chính hoặc làm việc ở các công ty tư vấn pháp luật về các mảng hợp đồng dân sự, tố tụng dân sự hay các vấn đề về luật hôn nhân gia đình, vấn đề về sở hữu công nghiệp hay hợp đồng lao động…

Tóm lại, không phải lúc nào vị trí công việc của sinh viên chuyên ngành luật dân sự bị gò bó trong các cơ quan nhà nước, tùy theo nhu cầu và khả năng của từng sinh viên mà có thể chủ động lựa chọn ngành nghề phù hợp với khối lượng kiến thức đã được đào tạo tại trường đại học.

(có 1 đánh giá)
Thanh Rin
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
7.222 
Việc làm mới nhất