Ngành Luật là gì? Khó khăn khi học luật và cơ hội nghề nghiệp

(có 2 đánh giá)

Hiện nay có rất nhiều người chọn ngành Luật để học tập và xây dựng mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai. Vậy ngành Luật là gì? Có những khó khăn nào khi lựa chọn học ngành Luật và cơ hội nghề nghiệp ra sao? - Minh Hà (Quảng Nam)

1. Ngành Luật là gì?

Ngành luật là đơn vị cấu trúc bên trong của hệ thống pháp luật bao gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh một loại quan hệ xã hội có cùng tính chất, nội dung thuộc một lĩnh vực đời sống xã hội nhất định.

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, ngành Luật có thể kể đến một số lĩnh vực như sau: Dân sự, Hình sự, Hành Chính, Thương Mại, Quốc Tế.

2. Những khó khăn thường gặp khi học ngành Luật và cách học tập tốt

Về ngành Luật, mỗi cá nhân sẽ gặp những khó khăn khác nhau. Tuy nhiên, có thể tổng hợp một số khó khăn phổ biến mà sinh viên học ngành Luật gặp phải hiện nay:

2.1. Chọn trường đào tạo, ngành học

Hiện nay, ngành Luật ngày càng trở nên phổ biến. Có rất nhiều cơ sở đào tạo luật hình thành. Các trường không chuyên luật cũng thành lập các khoa luật bởi sự cần thiết và hữu ích của nó.

02 cơ sở đào tạo Luật hàng đầu Việt Nam:

- Trường Đại học Luật Hà Nội (phía Bắc);

- Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (phía Nam).

Bên cạnh đó cũng có không ít cơ sở đào tạo Luật khác như trường Đại học Kinh tế - Luật, Trường Đại học Luật, Đại học Huế, Khoa Luật Trường Đại học Kinh tế Tp.HCM,...

Việc lựa chọn cơ sở đào tạo luật phù hợp cho mình, phù hợp chi phí học tập, vị trí địa lý… cũng là điều mà nhiều sinh viên cân nhắc khi chọn học ngành Luật. Tùy vào cơ sở đào tạo vào chất lượng đào tạo, đình hướng tương lai của sinh viên cũng khác nhau.

Đồng thời, khi đã chọn được cơ sở đào tạo luật phù hợp, việc nan giải tiếp theo là lựa chọn ngành học, lĩnh vực pháp luật chuyên ngành phù hợp với đam mê, khả năng của bản thân.

Ví dụ: Định hướng làm trong cơ quan nhà nước thường sẽ chọn Hành chính, Dân sự; có khả năng suy luận nhạy bén sẽ chọn Hình sự…

Việc lựa chọn ngành học phù hợp cũng góp một phần vào tương lai định hướng nghề nghiệp của sinh viên.

2.2. Khả năng ghi nhớ

Khi nhắc đến ngành Luật, rất nhiều người nghĩ ngay đến việc phải học thuộc bài, phải ghi nhớ lượng kiến thức khổng lồ. Điều này cũng không phải hoàn toàn không đúng. Tuy nhiên, thay vì lựa chọn việc học thuộc nằm lòng từng điều, khoản, từng trang giáo trình… thì khả năng ghi nhớ có thể được trau dồi qua kinh nghiệm thực tế, qua việc phân tích, đọc hiểu, làm bài tập, các phiên tòa giả định. Đây cũng là một trong những phương pháp khiến sinh viên mau nhớ bài, không phải e ngại việc ghi nhớ nhiều nữa.

Ngành Luật là gì? Khó khăn khi học luật và cơ hội nghề nghiệp

Ngành Luật là gì? Khó khăn khi học luật và cơ hội nghề nghiệp (Hình từ Internet)

2.3 Học phí, chi phí học tập

Ngành Luật cũng tương tự như ngành y, muốn học tốt phải trải qua quá trình tôi luyện trong thời gian dài. Ngành Luật cũng là một trong những ngành có học phí không hề thấp. Ngoài tiền học phí, còn có các khoản tiền khác như tiền trọ, đi lại, ăn uống, đặc biệt không thể quên kể đến là tiền giáo trình, văn bản luật…

Nhiều người e ngại việc lựa chọn ngành Luật vì các chi phí phải bỏ ra trong thời gian dài đó. Tuy nhiên, điều này có thể được giải quyết bằng các phương pháp khá phổ biến như đi làm thêm, săn học bổng, mua lại giáo trình cũ của các sinh viên khóa trước với giả rẻ…

2.4 Hiểu được các quy định của pháp luật

Mỗi ngành luật, lĩnh vực pháp luật đều có những thuật ngữ chuyện ngành khác nhau. Ví dụ như bị cáo, bị can chỉ được sử dụng trong hình sự, thừa kế áp dụng trong lĩnh vực dân sự…

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hiểu và áp dụng đúng các thuật ngữ pháp luật đó. Việc trau dồi kiến thức, kinh nghiệm pháp luật là một điều cần thiết và cần thời gian của sinh viên luật, thậm chí là cả những người đã có nghề nghiệp ổn định. Việc hiểu sai, áp dụng sai quy định pháp luật có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

2.5 Số lượng văn bản pháp luật khổng lồ

Hàng năm có rất nhiều văn bản Luật, Bộ Luật được sửa đổi, bổ sung, kèm theo hàng trăm Nghị định, Thông tư, và các văn bản pháp luật khác được ban hành, có hiệu lực thi hành… 

Việc cập nhật các văn bản pháp luật mới, tiếp thu các quy định được sửa đổi, bổ sung để áp dụng cho đúng cũng là cả một quá trình đối với sinh viên luật.

2.6 Văn bản không phải lúc nào cũng áp dụng phù hợp với thực tế

Cuộc sống luôn chuyển động và có rất nhiều tình huống khác nhau diễn ra trên thực tế. Pháp luật chỉ dự báo những tình huống dễ xảy ra nhất, cập nhật các tình huống đã xảy ra và điều chỉnh cho phù hợp. Chính vì thế, có rất nhiều trường hợp thực tế phát sinh nhưng pháp luật chưa cập nhật kịp thời, dẫn đến nhiều bất cập trong quá trình áp dụng pháp luật. 

Từ đó, án lệ được áp dụng để giải quyết một số tình huống cần thiết. Đồng thời, các nhà làm luật, cơ quan nhà nước cũng linh hoạt ban hành các văn bản chỉ đạo, áp dụng tạm thời để bắt kịp với thực tế.

3. Cơ hội nghề nghiệp đối với sinh viên Luật

Theo xu hướng phát triển của nền kinh tế – xã hội hiện nay, nhu cầu nghề nghiệp các nhóm ngành luật trong cuộc sống ngày ngày càng tăng cao.

Học luật không phải ra chỉ để làm luật sư như nhiều người thường nghĩ. Việc học luật giúp ích rất nhiều cho các ngành, nghề khác như kinh doanh, dịch vụ, giáo dục, y tế…

Vì vậy, sinh viên có thể an tâm về cơ hội nghề nghiệp của mình khi lựa chọn học ngành luật, bởi có rất nhiều công việc hiện nay liên quan đến pháp luật.

(có 2 đánh giá)
Theo Như Mai
4.562