Quyền an tử của một số nước trên thế giới và quy định của pháp luật Việt Nam

(có 12 đánh giá)

Như chúng ta đã biết ở hầu khắp quốc gia trên thế giới quyền con người luôn là quyền cơ bản và được đặc biệt chú trọng. Ở Việt Nam quyền con người được pháp luật bảo vệ bao gồm: quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Theo đó, công dân được tự do làm những điều mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên có một loại quyền mà nước ta đang bỏ ngỏ. Mặc dù nó đã từng được đề cập trong dự thảo luật nhưng cho đến nay quyền này vẫn vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều. Đó là quyền được chết hay còn gọi là quyền an tử.

>> Tử tù có được hiến tạng cho y học hay không?

1. Quyền an tử là gì?

Đến bây giờ khi nhắc đến thuật ngữ “quyền an tử” người ta chỉ hiểu nôm na đó là quyền được chết vì hiện nay vẫn chưa có một khái niệm thống nhất cho thuật ngữ này. Đứng ở góc độ nhân quyền, sống và chết là hai khái niệm song hành với nhau. Thế nên đã gọi là quyền thì quyền được chết chỉ phát sinh dựa trên ý chí tự nguyện của bệnh nhân. Với mục đích nhân đạo, tránh tình trạng kéo dài sự đau đớn, dằn vặt của người bệnh cũng như làm giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình họ. Mang đến một cái chết nhẹ nhàng.

Trong luật nhân quyền quốc tế (NQQT), quyền an tử là một chủ đề còn mới, chưa được thảo luận nhiều. Ủy ban Nhân quyền (HRC - cơ quan giám sát thực thi Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị - ICCPR) khi nhận xét kết luận về báo cáo của Hà Lan năm 2001 - thời điểm quốc gia này thông qua đạo luật về an tử có thể cho rằng an tử tự nguyện chỉ nên được phép trong những tình huống hạn hữu nhất mà mọi điều kiện về thủ tục và nội dung được đảm bảo, trong đó bao gồm cần phải thể hiện được ý chí rõ ràng của bệnh nhân. Tuy nhiên, HRC không đồng tình với các quy định về việc chấp thuận chấm dứt cuộc sống của trẻ em, bởi cho rằng trẻ em chưa đủ trưởng thành để bày tỏ ý chí về một vấn đề quan trọng như vậy với cuộc sống của mình.

Quyền an tử

Hình từ internet

2. Quyền an tử trong pháp luật ở một số quốc gia trên thế giới

Hiện nay, số lượng các quốc gia đã hợp pháp hóa an tử và trợ tử còn rất ít. Tính đến tháng 5/2015, mới chỉ có 04 quốc gia hợp pháp hóa an tử gồm: Hà Lan, Bỉ, Albania, và Luxembourg; có 04 quốc gia đã hợp pháp hóa trợ tử gồm: Thụy Sỹ, Đức, Mỹ (ở 4 bang Oregon, Washington, Montana, và Vermont), và Canada (tỉnh Quebec).

Hà Lan

Đạo luật chấm dứt cuộc sống theo yêu cầu và trợ tử (Termination of Life on Request and Assisted Suicide [Review Procedures] Act) năm 2001 của Hà Lan có hiệu lực vào ngày 01/4/2002. Đạo luật này hợp pháp hóa an tử và trợ tử trong những trường hợp và hoàn cảnh rất đặc biệt và phải thỏa mãn 06 điều kiện sau:

  1. nỗi đau của bệnh nhân là không thể chịu đựng được và không có triển vọng cải thiện;
  2. yêu cầu an tử của bệnh nhân phải tự nguyện (không chịu ảnh hưởng của người khác, tâm lý bệnh tật hoặc của thuốc) và kiên trì theo thời gian;
  3. bệnh nhân phải nhận thức được đầy đủ về tình trạng của mình, triển vọng và các lựa chọn;
  4. phải có sự tham vấn với ít nhất một bác sĩ độc lập khác là người mà cần xác nhận các điều kiện nêu trên;
  5. cái chết phải được thực hiện theo cách phù hợp về mặt y tế bởi bác sĩ hoặc bệnh nhân và bác sĩ phải có mặt;
  6. bệnh nhân ít nhất 12 tuổi (bệnh nhân từ 12 đến 16 tuổi đòi hỏi có sự chấp thuận của cha mẹ).

Bỉ

Đạo luật về An tử của Bỉ (The Belgian Act on Euthanasia) được thông qua vào ngày 28/5/2002 và được sửa đổi bởi Luật ngày 13/02/2014, trong đó có một số nội dung đáng chú ý như: bác sĩ thực hiện an tử không phạm tội hình sự khi họ đảm bảo rằng:

  1. bệnh nhân là một người trưởng thành có năng lực pháp lý, trẻ vị thành niên sống tự lập (emancipated minor) có năng lực pháp lý, hoặc trẻ vị thành niên có năng lực về nhận thức và ý thức tại thời điểm đưa ra yêu cầu;
  2. yêu cầu là tự nguyện, được xem xét thận trọng và được lặp lại và không là kết quả của bất kỳ áp lực bên ngoài nào;
  3. bệnh nhân là người trưởng thành hoặc trẻ vị thành niên sống tự lập ở trong tình trạng y tế vô vọng không thay đổi, và đau khổ thể xác hoặc tinh thần không chịu đựng nổi mà không thể giảm bớt, và là kết quả từ một rối loạn nghiêm trọng và không thể cứu chữa gây ra bởi bệnh tật hoặc tai nạn;
  4. trẻ vị thành niên có năng lực nhận thức ở trong tình trạng y tế vô vọng không thay đổi và đau khổ thể xác không chịu đựng nổi mà không thể giảm bớt và sẽ gây ra cái chết trong thời gian ngắn, và là kết quả từ một rối loạn nghiêm trọng và không thể cứu chữa gây ra bởi bệnh tật hoặc tai nạn.

Đạo luật này cũng yêu cầu quá trình đưa ra yêu cầu của bệnh nhân cần có sự tham vấn của một bác sĩ khác là bác sĩ tâm thần hoặc một chuyên gia; với trẻ vị thành niên sống tự lập cần tham vấn một bác sĩ tâm thần trẻ em hoặc một nhà tâm lý học và thông báo về lý do được tham vấn. Mọi yêu cầu phải được đưa ra bằng văn bản, và với bệnh nhân là trẻ vị thành niên sẽ cần sự đồng ý của người đại diện hợp pháp.

Mỹ

Ở Mỹ, Chính phủ Liên bang và tất cả 50 bang và Quận Columbia đều nghiêm cấm an tử theo luật về tội giết người nói chung. Chính phủ Liên bang không có luật về trợ tử mà những luật này thường chỉ được sử dụng ở cấp bang. Hiện tại, có 03 bang là Oregon, Vermont và Washington thông qua luật hợp pháp hóa trợ tử; 01 bang là Montana hợp pháp hóa trợ tử qua phán quyết của Tòa án Tối cao (của bang). Điểm chung là bệnh nhân phải cư trú trên lãnh thổ của các bang và phải thỏa mãn các điều kiện:

  1. độ tuổi tối thiểu của bệnh nhân là 18;
  2. bệnh nhân có khả năng thực hiện và truyền đạt các quyết định chăm sóc y tế cho mình;
  3. thời gian dự kiến cái chết sẽ xảy ra trong 06 tháng hoặc ít hơn; (iv) yêu cầu được thực hiện 02 lần bằng miệng (cách nhau ít nhất 15 ngày) và 01 lần bằng văn bản.

Thụy Sỹ

Ở Thụy Sỹ, không có luật về an tử hay trợ tử. Mọi dạng an tử chủ động đều bị cấm, và luật chỉ cho phép trợ tử. Sự cho phép này được suy ra từ Điều 115 Bộ luật Hình sự của Thụy Sỹ (có hiệu lực từ năm 1942), trong đó quy định rằng: “Xúi giục và hỗ trợ tự tử: Bất kỳ người nào vì động cơ ích kỷ xúi giục hoặc trợ giúp người khác thực hiện hoặc cố gắng thực hiện tự tử mà sau đó người này thực hiện hoặc cố gắng thực hiện tự tử thì sẽ phải chịu án tù không quá 05 năm hoặc bị phạt tiền”. Như vậy, trợ tử chỉ bị coi là tội phạm khi động cơ thực hiện là “ích kỷ” (ví dụ: thu lợi cá nhân).

Về số lượng các trường hợp thực hiện trợ tử ở Thụy Sỹ, số liệu thống kê cho thấy một xu hướng tăng mạnh; và có một điểm đáng chú ý đó là do luật của Thụy Sỹ về trợ tử là không rõ ràng, do đó, ngày càng có nhiều du khách đến quốc gia này chỉ với mục là để kết thúc cuộc sống của mình (tự tử), chiếm từ 25% đến 30% số trường hợp được hỗ trợ tự tử mỗi năm (tính từ năm 2008 đến năm 2012).

3. Tại sao nước ta không hợp pháp hóa cái chết nhân đạo?

Sự thật là không một ai được can thiệp vào quyền sống chết của người khác trừ trường hợp Nhà nước áp dụng án tử hình. Việc trợ giúp hay bất kỳ hành vi nào làm chấm dứt sự sống của người khác đều là hành vi giết người. Và hiện nay Hiến pháp nước ta chưa thừa nhận quyền được chết. Lý do là Nhà nước nhận thấy quyền được chết chưa phù hợp với sự phát triển xã hội, với điều kiện cơ sở vật chất. Bên cạnh đó cũng chưa có một nghiên cứu xã hội nào đưa ra con số ủng hộ và phản đối quyền này đối với người dân nước ta là bao nhiêu. Quyền được sống, kể cả được chết là quyền nhân thân hết sức quan trọng của con người phải được hiến định.

Ngoài ra, nguyên tắc xương sống của ngành y là cứu người. Nếu công nhận quyền an tử, phải chăng là khuyến khích việc chết chóc. Làm mất đi ý nghĩa của y học tâm đức.

Hoặc một trường hợp nữa là lợi dụng quyền được chết để trục lợi, mua bán nội tạng thì phải xử lý ra sao.  Một người tuy rằng không muốn chết nhưng vẫn phải 'an tử" để được hưởng lợi gì đó là ngoài tầm kiểm soát.

Vì vậy, nếu muốn thừa nhận quyền được chết thì phải dựa trên cơ sở nghiên cứu cẩn thận, từ đó bổ sung quy định vào hiến pháp. Mà quá trình đó là rất lâu dài, rất khó nên ở thời điểm hiện tại quyền được chết dẫu là nhu cầu có thật của một số bộ phận dân cư nhưng nó không khả thi cũng như chưa phù hợp với bối cảnh xã hội Việt Nam.

(có 12 đánh giá)
Theo Quỳnh Ny
6.123