Quy phạm pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật là gì?

(có 1 đánh giá)

Quy phạm pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật là gì? Số, ký hiệu của văn bản quy phạm pháp luật được sắp xếp như thế nào? Câu hỏi đến từ anh L. ở Bình Dương.

Quy phạm pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật là gì?

Theo khoản 1 Điều 3 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng lặp đi lặp lại nhiều lần đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi cả nước hoặc đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện.

Tại Điều 2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định:

- Văn bản quy phạm pháp luật là văn bản có chứa quy phạm pháp luật, được ban hành theo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng được ban hành không đúng thẩm quyền, hình - thức, trình tự, thủ tục quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì không phải là văn bản quy phạm pháp luật.

Quy phạm pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật là gì?

Quy phạm pháp luật và văn bản quy phạm pháp luật là gì? (Hình từ Internet)

Số, ký hiệu của văn bản quy phạm pháp luật được sắp xếp như thế nào?

Sắp xếp số, ký hiệu của văn bản quy phạm pháp luật theo khoản 3 Điều 10 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định như sau:

Số, ký hiệu của văn bản quy phạm pháp luật

1. Số, ký hiệu của văn bản quy phạm pháp luật phải thể hiện rõ số thứ tự, năm ban hành, loại văn bản, cơ quan ban hành văn bản.

2. Việc đánh số thứ tự của văn bản quy phạm pháp luật phải theo từng loại văn bản và năm ban hành. Luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội được đánh số thứ tự theo từng loại văn bản và nhiệm kỳ của Quốc hội.

3. Số, ký hiệu của văn bản quy phạm pháp luật được sắp xếp như sau:

a) Số, ký hiệu của luật, nghị quyết của Quốc hội được sắp xếp theo thứ tự như sau: “loại văn bản: số thứ tự của văn bản/năm ban hành/tên viết tắt của cơ quan ban hành văn bản và số khóa Quốc hội”;

b) Số, ký hiệu của pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội được sắp xếp theo thứ tự như sau: “loại văn bản: số thứ tự của văn bản/năm ban hành/tên viết tắt của cơ quan ban hành văn bản và số khóa Quốc hội”;

c) Số, ký hiệu của các văn bản quy phạm pháp luật không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này được sắp xếp theo thứ tự như sau: “số thứ tự của văn bản/năm ban hành/tên viết tắt của loại văn bản - tên viết tắt của cơ quan ban hành văn bản”.”

Như vậy, số, ký hiệu của văn bản quy phạm pháp luật được sắp xếp như sau:

- Số, ký hiệu của luật, nghị quyết của Quốc hội được sắp xếp theo thứ tự như sau: “loại văn bản: số thứ tự của văn bản/năm ban hành/tên viết tắt của cơ quan ban hành văn bản và số khóa Quốc hội”;

- Số, ký hiệu của pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội được sắp xếp theo thứ tự như sau: “loại văn bản: số thứ tự của văn bản/năm ban hành/tên viết tắt của cơ quan ban hành văn bản và số khóa Quốc hội”;

- Số, ký hiệu của các văn bản quy phạm pháp luật không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này được sắp xếp theo thứ tự như sau: “số thứ tự của văn bản/năm ban hành/tên viết tắt của loại văn bản - tên viết tắt của cơ quan ban hành văn bản”

Ngôn ngữ, kỹ thuật văn bản quy phạm pháp luật được pháp luật quy định như thế nào?

Tại Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, điểm a khoản 53 Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020 quy định như sau:

(1) Ngôn ngữ trong văn bản quy phạm pháp luật là tiếng Việt.

Ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu.

(2) Văn bản quy phạm pháp luật phải quy định cụ thể nội dung cần điều chỉnh, không quy định chung chung, không quy định lại các nội dung đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật khác.

(3) Tùy theo nội dung, văn bản quy phạm pháp luật có thể được bố cục theo phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm; các phần, chương, mục, tiểu mục, điều trong văn bản quy phạm pháp luật phải có tên. Không quy định chương riêng về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm trong văn bản quy phạm pháp luật nếu không có nội dung mới.

(4) Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Chính phủ quy định về thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, người có thẩm quyền khác được quy định trong Luật này.

(có 1 đánh giá)
Theo Nguyễn Anh Hương Thảo
2.668