Mức phạt hành chính về quản lý sử dụng pháo hoa, pháo nổ?
Tôi có một câu hỏi liên quan đến vấn đề sử dụng pháo hoa, pháo nổ như sau: Mức phạt hành chính về quản lý sử dụng pháo hoa, pháo nổ được quy định thế nào? Tôi mong nhận được câu trả lời sớm. Câu hỏi của anh N.T.P ở Lâm Đồng.
Pháo hoa, pháo nổ là gì?
Theo điểm b khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP thì pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP thì pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.
Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ.
Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m.
Mức phạt hành chính về quản lý sử dụng pháo hoa, pháo nổ? (Hình từ Internet)
Mức phạt hành chính về quản lý sử dụng pháo hoa, pháo nổ
Theo Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, mức phạt hành chính về quản lý sử dụng pháo hoa, pháo nổ cụ thể như sau:
(1) Lưu hành các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về quản lý, sử dụng pháo hoa, pháo nổ không còn giá trị sử dụng: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng và bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (điểm đ khoản 1, điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
(2) Chiếm đoạt, trao đổi, mua, bán, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo hoa, pháo nổ: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (điểm b khoản 2, điểm a khoản 7, điểm b khoản 8 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
(3) Làm giả các loại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo hoa, pháo nổ: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (điểm c khoản 2, điểm a khoản 7, điểm b khoản 8 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
(4) Che giấu, giúp người khác hoặc không tố giác hành vi chế tạo, sản xuất, mang, mua, bán, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc hủy hoại pháo hoa, pháo nổ: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (điểm d khoản 2 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
(5) Mất giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo hoa, pháo nổ: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (điểm đ khoản 2 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
(6) Cố ý cung cấp thông tin sai lệch về quản lý vũ khí, công cụ hỗ trợ; không báo cáo, báo cáo không kịp thời, che giấu hoặc làm sai lệch thông tin báo cáo về việc mất, thất thoát, tai nạn, sự cố về pháo hoa, pháo nổ: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (điểm k khoản 2 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
(7) Giao pháo hoa nổ, thuốc pháo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (điểm n khoản 2 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
(8) Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo hoa, pháo nổ: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và buộc nộp lại giấy phép, giấy xác nhận, giấy chứng nhận, chứng chỉ về pháo hoa, pháo nổ (điểm o khoản 2, điểm c khoản 8 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
(9) Trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng, bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (điểm a khoản 3, điểm a khoản 7, điểm b khoản 8 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
(10) Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (điểm i khoản 3, điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
(11) Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (điểm e khoản 4, điểm a khoản 7, điểm b khoản 8 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
(12) Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng pháo hoa, pháo nổ dưới mọi hình thức: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (điểm i khoản 4 , điểm a khoản 7, điểm b khoản 8 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
(13) Mang trái phép pháo hoa, pháo nổ vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc mang vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng và bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (điểm c khoản 5, điểm a khoản 7 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).
Lưu ý: Mức phạt tiền trên là mức phạt được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Thời hiệu xử phạt hành chính đối với vi phạm về quản lý sử dụng pháo hoa, pháo nổ là bao lâu?
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
“Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình là 01 năm.
2. Thời điểm để tính thời hiệu phạt vi phạm hành chính được quy định như sau:
a) Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm;
b) Đối với hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm;
c) Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức, cá nhân do người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính chuyển đến thì thời hiệu xử phạt được áp dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này và các điểm a và b khoản này tính đến thời điểm ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.”
Như vậy, thời hiệu xử phạt hành chính đối với vi phạm về quản lý sử dụng pháo hoa, pháo nổ là 01 năm.
-
Mức lương của Trưởng phòng pháp chế là bao nhiêu?
Cập nhật 10 ngày trước -
Bộ phận pháp lý của công ty có vai trò gì?
Cập nhật 1 tháng trước -
Mục đích của soạn thảo hợp đồng là gì? Hướng dẫn soạn thảo hợp đồng đúng chuẩn?
Cập nhật 1 tháng trước -
Thông báo về việc tổ chức Kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng lần thứ năm?
Cập nhật 1 tháng trước -
Bản kiểm điểm cá nhân Đảng viên cuối năm 2024 phải nộp khi nào?
Cập nhật 1 tháng trước -
Cách viết Bản kiểm điểm cá nhân lãnh đạo quản lý chi tiết? Mẫu Bản kiểm điểm cá nhân lãnh đạo quản lý mới nhất?
Cập nhật 1 tháng trước