Học thạc sĩ Luật có quan trọng không? Điều kiện học thạc sĩ Luật năm 2024 là gì?

(có 2 đánh giá)

Học thạc sĩ Luật có quan trọng không? Điều kiện học thạc sĩ Luật năm 2024 là gì? Yêu cầu với chương trình đào tạo được dạy và học bằng tiếng nước ngoài như nào?

Học thạc sĩ Luật có quan trọng không?

Một trong những ưu điểm lớn của việc học thạc sĩ Luật là khả năng nâng cao kỹ năng nghiên cứu và phân tích của học viên. Được hướng dẫn cách thức tiếp cận và đánh giá các nguồn thông tin pháp luật, phát triển khả năng đọc hiểu và đánh giá các vấn đề pháp lý.

Việc học thạc sĩ Luật cũng giúp cung cấp cho người học kiến thức sâu rộng về lĩnh vực pháp luật và từ đó giúp cho người học hiểu rõ hơn về pháp luật, giúp áp dụng pháp luật trong công việc tốt hơn. Bên cạnh đó, việc học thạc sĩ Luật cũng giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn, tiếp cận kiến thức pháp lý mới nhanh chóng,...

Ngoài ra, học thạc sĩ Luật cũng mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp mới cho các học viên, bao gồm việc làm trong các tổ chức pháp lý, công ty, tòa án, hoặc các cơ quan chính phủ. Do đó, học thạc sĩ ngành Luật có thể rất quan trọng đối với những người muốn theo đuổi sự nghiệp trong lĩnh vực pháp luật.

Tóm lại, việc học thạc sĩ Luật rất quan trọng. Tuy nhiên, tùy theo định hướng nghề nghiệp, điều kiện kinh tế mà, mục tiêu của từng người mà có chọn học thạc sĩ Luật hay không.

Học thạc sĩ Luật có quan trọng không? Điều kiện học thạc sĩ Luật năm 2024 là gì?

Học thạc sĩ Luật có quan trọng không? Điều kiện học thạc sĩ Luật năm 2024 là gì? (Hình từ Internet)

Điều kiện học thạc sĩ Luật năm 2024 là gì? 

Yêu cầu đối với người dự tuyển

- Đã tốt nghiệp hoặc đã đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp; đối với chương trình định hướng nghiên cứu yêu cầu hạng tốt nghiệp từ khá trở lên hoặc có công bố khoa học liên quan đến lĩnh vực sẽ học tập, nghiên cứu;

Ngành phù hợp là ngành đào tạo ở trình độ đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) trang bị cho người học nền tảng chuyên môn cần thiết để học tiếp chương trình đào tạo thạc sĩ của ngành tương ứng, được quy định cụ thể trong chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo thạc sĩ; cơ sở đào tạo quy định những trường hợp phải hoàn thành yêu cầu học bổ sung trước khi dự tuyển.

- Có năng lực ngoại ngữ từ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

Ứng viên đáp ứng yêu cầu có năng lực ngoại ngữ từ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam khi có một trong các văn bằng, chứng chỉ sau:

+ Bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên ngành ngôn ngữ nước ngoài; hoặc bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên mà chương trình được thực hiện chủ yếu bằng ngôn ngữ nước ngoài;

+ Bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên do chính cơ sở đào tạo cấp trong thời gian không quá 02 năm mà chuẩn đầu ra của chương trình đã đáp ứng yêu cầu ngoại ngữ đạt trình độ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

+ Một trong các văn bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ tương đương Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam quy định tại Phụ lục của Quy chế này hoặc các chứng chỉ tương đương khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký dự tuyển.

- Đáp ứng các yêu cầu khác của chuẩn chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và theo quy định của chương trình đào tạo.

Lưu ý: Trường hợp ứng viên dự tuyển là công dân nước ngoài, đối với trường hợp người muốn học thạc sĩ là công dân nước ngoài nếu đăng ký theo học các chương trình đào tạo thạc sĩ bằng tiếng Việt phải đạt trình độ tiếng Việt từ Bậc 4 trở lên theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài hoặc đã tốt nghiệp đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) mà chương trình đào tạo được giảng dạy bằng tiếng Việt; đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ thứ hai theo quy định của cơ sở đào tạo (nếu có).

Đối với chương trình đào tạo được dạy và học bằng tiếng nước ngoài

Đối với chương trình đào tạo được dạy và học bằng tiếng nước ngoài, ứng viên phải đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ, cụ thể khi có một trong những văn bằng, chứng chỉ sau đây:

- Bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên ngành ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy; hoặc bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên mà chương trình được thực hiện chủ yếu bằng ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy;

- Một trong các văn bằng hoặc chứng chỉ của ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy đạt trình độ tương đương Bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam quy định tại Phụ lục của Quy chế này hoặc các chứng chỉ tương đương khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký dự tuyển.

(Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT)

(có 2 đánh giá)
Theo Nguyễn Thị Thanh Xuân
2.389