Cử nhân luật có thể học Thạc sĩ Luật với những ngành nào?

(có 2 đánh giá)

Tôi có một câu hỏi liên quan đến vấn đề học Thạc sĩ Luật. Cho tôi hỏi cử nhân luật có thể học Thạc sĩ Luật với những ngành nào? Tôi mong mình nhận được câu trả lời sớm. Câu hỏi của anh N.T.H ở Đồng Nai.

Cử nhân luật có thể học Thạc sĩ Luật với những ngành nào?

Cử nhân luật có thể học Thạc sĩ Luật với những ngành nào? (Hình từ Internet)

Điều kiện dự tuyển học Thạc sĩ Luật đối với cử nhân luật là gì?

Để dự tuyển học Thạc sĩ Luật thì cử nhân luật phải đáp ứng những điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 5 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành kèm theo Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT như sau:

Đối tượng và điều kiện dự tuyển

1. Yêu cầu đối với người dự tuyển:

a) Đã tốt nghiệp hoặc đã đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp; đối với chương trình định hướng nghiên cứu yêu cầu hạng tốt nghiệp từ khá trở lên hoặc có công bố khoa học liên quan đến lĩnh vực sẽ học tập, nghiên cứu;

b) Có năng lực ngoại ngữ từ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

c) Đáp ứng các yêu cầu khác của chuẩn chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và theo quy định của chương trình đào tạo.

2. Ngành phù hợp được nêu tại khoản 1 Điều này và tại các điều khác của Quy chế này là ngành đào tạo ở trình độ đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) trang bị cho người học nền tảng chuyên môn cần thiết để học tiếp chương trình đào tạo thạc sĩ của ngành tương ứng, được quy định cụ thể trong chuẩn đầu vào của chương trình đào tạo thạc sĩ; cơ sở đào tạo quy định những trường hợp phải hoàn thành yêu cầu học bổ sung trước khi dự tuyển. Đối với các ngành quản trị và quản lý, đào tạo theo chương trình thạc sĩ định hướng ứng dụng, ngành phù hợp ở trình độ đại học bao gồm những ngành liên quan trực tiếp tới chuyên môn, nghề nghiệp của lĩnh vực quản trị, quản lý.

...”

Theo quy định trên, để dự tuyển học Thạc sĩ Luật thì cử nhân luật phải đáp ứng những điều kiện sau:

+ Đã tốt nghiệp ngành phù hợp; đối với chương trình định hướng nghiên cứu yêu cầu hạng tốt nghiệp từ khá trở lên hoặc có công bố khoa học liên quan đến lĩnh vực sẽ học tập, nghiên cứu.

+ Có năng lực ngoại ngữ từ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

+ Đáp ứng các yêu cầu khác của chuẩn chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và theo quy định của chương trình đào tạo.

Cử nhân luật có thể học Thạc sĩ Luật với những ngành nào?

Tại Phần 2 Phụ lục 1 Danh mục thống kê ngành đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ban hành kèm theo Thông tư 09/2022/TT-BGDĐT có quy định như sau:

DANH MỤC NGÀNH THÍ ĐIỂM CÁC TRÌNH ĐỘ CỦA GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Theo đó, cử nhân luật có thể lựa chọn học Thạc sĩ Luật với một trong những ngành sau:

+ Ngành Luật (áp dụng từ ngày 22/7/2022).

+ Ngành Luật hiến pháp và luật hành chính.

+ Ngành Luật dân sự và tố tụng dân sự.

+ Ngành Luật hình sự và tố tụng hình sự.

+ Ngành Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm.

+ Ngành Lý luận và lịch sử nhà nước và pháp luật.

+ Ngành Luật kinh tế.

+ Ngành Luật quốc tế.

Người học Thạc sĩ Luật bị buộc thôi học trong những trường hợp nào?

Trường hợp buộc thôi học đối với người học Thạc sĩ Luật được quy định tại khoản 3 Điều 16 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ ban hành kèm theo Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT như sau:

Xử lý vi phạm đối với học viên

1. Học viên có gian lận trong thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập sẽ bị xử lý kỷ luật đối với từng học phần đã vi phạm.

2. Học viên thi hộ hoặc nhờ người thi hộ đều bị kỷ luật ở mức đình chỉ học tập 01 năm đối với trường hợp vi phạm lần thứ nhất và buộc thôi học đối với trường hợp vi phạm lần thứ hai.

3. Học viên vi phạm một trong các quy định sau đây sẽ bị buộc thôi học; bằng thạc sĩ nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo:

a) Có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, bảo vệ luận văn, đề án hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ;

b) Sử dụng kết quả của người khác hoặc sao chép, trích dẫn không đúng quy định trong luận văn, đề án và bị hội đồng thẩm định kết luận nếu cắt bỏ những phần sử dụng, sao chép, trích dẫn đó thì luận văn, đề án không đạt yêu cầu;

c) Nhờ hoặc thuê người khác làm hộ luận văn, đề án.

4. Quy chế của cơ sở đào tạo quy định chi tiết về xử lý vi phạm đối với học viên.”

Như vậy, người học Thạc sĩ Luật bị buộc thôi học khi thuộc một trong những trường hợp sau:

+ Có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, bảo vệ luận văn, đề án hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ.

+ Sử dụng kết quả của người khác hoặc sao chép, trích dẫn không đúng quy định trong luận văn, đề án và bị hội đồng thẩm định kết luận nếu cắt bỏ những phần sử dụng, sao chép, trích dẫn đó thì luận văn, đề án không đạt yêu cầu.

+ Nhờ hoặc thuê người khác làm hộ luận văn, đề án.

(có 2 đánh giá)
Trần Thị Tuyết Vân
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
4.840 
Việc làm mới nhất