Học Thạc sĩ Luật, Luật sư... khi nào thì phù hợp?

(có 10 đánh giá)

Xã hội vận động không ngừng, chính vì vậy mỗi Cử nhân Luật sau khi ra trường nếu không muốn bị “thụt lùi” với sự vận động chuyển mình của xã hội thường sẽ vạch ra cho mình những con đường để tiếp tục học để “nâng cấp” bản thân. Với Cử nhân Luật, thông thường sẽ có 02 mối băn khoăn đó là học Thạc sĩ hay là học Luật sư/Công chứng…

>> Mô tả công việc luật sư chi tiết nhất cho những bạn sinh viên định hướng nghề luật sư

>> Luật sư là gì?

Học cái gì, nên học Thạc sĩ hay Luật sư, học ở đâu, khi nào bắt đầu học… có rất nhiều câu hỏi mà tôi sẽ giải đáp với vị trí là một người từng trải qua cả 02 chương trình học kể trên.

Nên học Thạc sĩ Luật hay Luật sư?

Chắc chắn câu trả lời hợp lý nhất là học cả 02. Kiến thức là vô biên, những gì chúng ta học được chỉ là vài “hạt cát trên sa mạc”, nếu có điêu kiện, thời gian để học thì học cả 02 khóa học kia đều tốt bởi đầu tư vào kiến thức không bao giờ là “lỗ”. Tuy nhiên dựa trên thực tế đa số Cử nhân Luật ra trường, không phải ai cũng đủ điều kiện kinh tế, dư giả về mặt thời gian để cùng theo học cả hai, cho nên mới sinh ra sự phân vân, cân nhắc.

Như tiêu đề bài viết có đề cập, học Luật sư thiên về hướng học nghề. Học Thạc sĩ là đào tạo kiến thức Luật chuyên sâu hơn so với những gì bạn đã được học ở trường Luật. Chính vì vậy, nếu bạn chủ đích con đường sự nghiệp bạn lựa chọn là gì thì hãy chọn học khóa học tương ứng.

Buổi lễ trao bằng Thạc sĩ Luật

Buổi lễ trao bằng Thạc sĩ Luật (Hình từ internet)

Nếu bạn chọn nghề Luật sư/ Công chứng… thì hãy đi học những lớp đào tạo nghề được tổ chức ở Học viện Tư pháp. Có 02 lý do để bạn phải ưu tiên lớp học này. Thứ nhất, để trở thành Luật sư, Công chứng viên… thì điều kiện bắt buộc bạn phải hoàn thành khóa học theo quy định của pháp luật (trừ một số trường hợp đặc biệt được miễn đào tạo). Thứ hai, tham gia học bạn sẽ được đào tạo những kỹ năng nghề nghiệp thực tế để ứng dụng trong công việc của bạn. Các thầy cô giảng dạy tại Học viện Tư pháp là những người có thâm niên, uy tín trong nghề, bạn sẽ được hỏi hỏi rất nhiều trước khi bước vào hành nghề.

Nếu thực tế bạn làm công việc không đòi hỏi về đào tạo mà bạn muốn tiếp tục học để nâng cao kiến thức chuyên môn thì bạn nên lựa chọn học Thạc sĩ. Khi học lên Thạc sĩ, kiến thức pháp luật của bạn sẽ được nâng cấp lên, học chuyên sâu, nghiên cứu nhiều hơn.

Khi nào nên học Thạc sĩ Luật/Luật sư?

Sau khi ra trường, Cử nhân Luật sẽ được tiếp xúc va chạm với thị trường lao động. Với cơ hội việc làm đa dạng, không chỉ bó buộc trong ngành Luật. Cho nên theo tôi, các Cử nhân Luật chỉ nên quyết định học cái gì, học Luật sư hay học Thạc sĩ khi đã đi làm được từ 1 – 2 năm. Vì khi đó, Cử nhân Luật mới thật sự hiểu được mình cần gì, mình có thế mạnh gì, phù hợp với nghề nào… Không ít những trường hợp các Cử nhân Luật ra trường đi làm những ngành nghề không liên quan như Ngân hàng, Tài chính… rồi sau đó lựa chọn học Văn bằng 2 để mở rộng phạm vi kiến thức để phục vụ nghề nghiệp.

Nên học Thạc sĩ Luật/Luật sư ở đâu?

Nếu học Luật sư, Công chứng… thì bạn chỉ có 01 lựa chọn duy nhất là Học viện Tư pháp. Có 02 cơ sở đào tạo chính ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra HVTP còn thường xuyên mở các khóa đào tạo tại các địa phương khác như Đà Nẵng, Đak Lak…

Nếu học Thạc sĩ Luật, bạn sẽ có nhiều lựa chọn hơn là các trường được cấp phép đào tạo sau đại học trên khắp cả nước. Một số cơ sở uy tín như Đại học Luật Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Luật TPHCM, Đại học Kinh tế Luật TPHCM, ĐH Kinh tế TPHCM…

Chi phí học Thạc sĩ Luật/Luật sư như thế nào?

Đối với học Thạc sĩ, người học có nhiều lựa chọn, mỗi cơ sở đào tạo có quy định riêng về học phí. Riêng ở ĐH Luật TP. HCM nơi tôi từng theo học thì học phí đào tạo Thạc sĩ hiện hành là 27 triệu đồng/năm chưa kể những chi phí tài liệu, luận án phát sinh khác.

Còn học lớp Luật sư, hiện nay học phí tại học viện Tư pháp như sau:

- Đối với các khóa đào tạo mở tại trụ sở Học viện Tư pháp tại Hà Nội, các khóa đào tạo mở ngoài trụ sở của Học viện Tư pháp tại Hà Nội và Cơ sở Học viện Tư pháp tại thành phố Hồ Chí Minh: 22.760.00 đồng/học viên/khóa học (Hai mươi hai triệu bẩy trăm sáu  mươi nghìn đồng chẵn);

- Đối với các khóa đào tạo mở tại Cơ sở Học viện Tư pháp tại thành phố Hồ Chí Minh: 25.190.000 đồng/học viên/khóa học (Hai mươi lăm triệu một trăm chín mươi nghìn đồng chẵn);

Dựa vào những thông tin cũng như những chia sẻ trên, hy vọng rằng sẽ giúp các Cử nhân Luật đang phân vân không biết lựa chọn phải học gì, học ở đâu… đưa ra được quyết định sáng suốt, phù hợp với bản thân mình.

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

(có 10 đánh giá)
Trương Nguyễn Thạch
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
15.298 
Việc làm mới nhất