Điều kiện để trở thành giảng viên đại học là gì? Giảng viên đại học sẽ có những nhiệm vụ và quyền hạn nào?

(có 1 đánh giá)

Tôi có thắc mắc liên quan đến nghề giảng viên đại học. Cho tôi hỏi điều kiện để trở thành giảng viên đại học là gì? Giảng viên đại học sẽ có những nhiệm vụ và quyền hạn như thế nào? Câu hỏi của chị Xuân Lan ở Bình Định.

Điều kiện để trở thành giảng viên đại học là gì?

Giảng viên đại học còn được hiểu là giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học.

Theo Điều 54 Luật Giáo dục đại học 2012, được sửa đổi bởi khoản 29 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 quy định về giảng viên như sau:

Giảng viên

1. Giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học là người có nhân thân rõ ràng; có phẩm chất, đạo đức tốt; có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; có trình độ đáp ứng quy định của Luật này, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

2. Chức danh giảng viên bao gồm trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư. Cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm chức danh giảng viên theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động, quy định về vị trí việc làm và nhu cầu sử dụng của cơ sở giáo dục đại học.

3. Trình độ tối thiểu của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ, trừ chức danh trợ giảng; trình độ của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ. Cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên; phát triển, ưu đãi đội ngũ giáo sư đầu ngành để phát triển các ngành đào tạo.

4. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tiêu chuẩn và việc bổ nhiệm chức danh giảng viên theo thẩm quyền; tỷ lệ giảng viên cơ hữu tối thiểu của cơ sở giáo dục đại học; quy định tiêu chuẩn giảng viên thực hành, giảng viên của một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù.”

Theo quy định trên, để trở thành giảng viên đại học thì cá nhân phải đáp ứng những điều kiện sau:

+ Người có nhân thân rõ ràng; có phẩm chất, đạo đức tốt; Có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, công tác.

+ Trình độ tối thiểu của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ (trừ chức danh trợ giảng); trình độ của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ.

Điều kiện để trở thành giảng viên đại học là gì?

Điều kiện để trở thành giảng viên đại học là gì? (Hình từ Internet)

Giảng viên đại học sẽ có những nhiệm vụ và quyền nào?

Theo Điều 55 Luật Giáo dục đại học 2012, được sửa đổi bởi điểm a, điểm b, điểm c, điểm d khoản 30 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 thì giảng viên đại học sẽ có những nhiệm vụ và quyền sau:

+ Giảng dạy, phát triển chương trình đào tạo, thực hiện đầy đủ, bảo đảm chất lượng chương trình đào tạo.

+ Nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ, bảo đảm chất lượng đào tạo.

+ Học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp giảng dạy; tham gia hoạt động thực tiễn để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

+ Giữ gìn phẩm chất, uy tín, danh dự của giảng viên.

+ Tôn trọng nhân cách của người học, đối xử công bằng với người học, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của người học.

+ Tham gia quản lý và giám sát cơ sở giáo dục đại học, tham gia công tác Đảng, đoàn thể và các công tác khác.

+ Độc lập về quan điểm chuyên môn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học trên nguyên tắc phù hợp với lợi ích của Nhà nước và xã hội; được ký hợp đồng thỉnh giảng và nghiên cứu khoa học với cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của cơ sở giáo dục đại học mà mình đang làm việc.

+ Được bổ nhiệm chức danh của giảng viên, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú và được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

+ Nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Giảng viên đại học được hưởng những chính sách nào?

Căn cứ Điều 56 Luật Giáo dục đại học 2012 quy định về chính sách đối với giảng viên như sau:

Chính sách đối với giảng viên

1. Giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học được cử đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ.

2. Giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tạo điều kiện về chỗ ở, được hưởng chế độ phụ cấp và các chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ.

3. Nhà nước có chính sách điều động, biệt phái giảng viên làm việc tại cơ sở giáo dục đại học ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; khuyến khích giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học ở vùng thuận lợi đến công tác tại các cơ sở giáo dục đại học ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tạo điều kiện để giảng viên ở vùng này an tâm công tác.

4. Giảng viên có trình độ tiến sĩ, giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư công tác trong cơ sở giáo dục đại học có thể kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nếu có đủ sức khỏe, tự nguyện kéo dài thời gian làm việc, đồng thời cơ sở giáo dục đại học có nhu cầu.

5. Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể chính sách đối với giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học.”

Theo đó, giảng viên đại học có thể được hưởng những chính sách được quy định tại Điều 56 nêu trên.

Những hành vi nào giảng viên đại học không được làm?

Theo quy định tại Điều 58 Luật Giáo dục đại học 2012 thì giảng viên đại học không được làm những hành vi sau:

+ Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học và người khác.

+ Gian lận trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học.

+ Lợi dụng danh hiệu nhà giáo và hoạt động giáo dục để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

(có 1 đánh giá)
Theo Trần Thị Tuyết Vân
5.191 
Click vào đây để xem danh sách Tuyển dụng giáo viên hoặc nhận thông báo thường xuyên về Tuyển dụng giáo viên
Click vào đây để xem danh sách Tuyển dụng giáo viên hoặc nhận thông báo thường xuyên về Tuyển dụng giáo viên