Nhấn vào mũi tên để hiển thị chuyên mục con hoặc nhấn vào tiêu đề để lọc theo chuyên mục cha
Việc công khai tin nhắn, hình ảnh hay livestream tố nhau trên mạng xã hội có vi phạm pháp luật không?
Việc công khai tin nhắn, hình ảnh hay livestream tố nhau trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật theo quy định của pháp luật hiện hành.
Việc công khai tin nhắn, hình ảnh hay livestream tố nhau trên mạng xã hội có vi phạm pháp luật không? (Hình từ Internet)
Việc công khai tin nhắn, hình ảnh là hành vi vi phạm pháp luật theo Bộ luật dân sự 2015
Theo Điều 32, 34 và 38 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình; có quyền được bảo vệ về danh dự, nhân phẩm và uy tín và đời sống riêng tư, bí mật cá nhân. Trường hợp phát tán thông tin đời tư của người khác lên mạng xã hội như tin nhắn, hình ảnh,... khi chưa có sự đồng ý của họ thì đều là hành vi vi phạm pháp luật về quyền riêng tư cá nhân.
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình và việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Trong trường hợp việc công khai tin nhắn, hình ảnh đời tư của cá nhân làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì được pháp luật bảo vệ theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
[1] Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.
[2] Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.
[3] Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.
[4] Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Trong trường hợp công khai hình ảnh, tin nhắn lên mạng xã hội làm lộ thông tin đời sống riêng tư, bí mật cá nhân cũng được bảo vệ theo quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:
[1] Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
[2] Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Vậy việc công khai hình ảnh, tin nhắn của cá nhân khác lên mạng xã hội mà chưa có sự đồng ý của cá nhân đó là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu hành vi trên gây ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín hoặc làm lộ thông tin đời sống riêng tư, thông tin cá nhân có thể bị xử lý theo pháp luật và bồi thường thiệt hại.
Livestream tố nhau trên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật theo Luật An ninh mạng 2018
Livestream có thể được dịch sang tiếng Việt là phát sóng trực tiếp trên các nền tảng mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Instagram,...Đây là quá trình phát sóng trực tiếp trong thời gian thực đến khán giả trên Internet và mọi người có thể nhìn thấy những gì được chia sẻ như: cảnh vật, sự kiện, lời nói,... Đây có thể được coi là hành động truyền tải thông tin trên không gian mạng.
Theo điểm a khoản 1 Điều 18 Luật An ninh mạng 2018, hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác là hành vi bị cấm theo Điều 8 Luật An ninh mạng 2018.
Hành vi đưa thông tin cá nhân, bí mật đời tư của người khác lên mạng xã hội có thể bị xử phạt hành chính lên đến 30.000.000 đồng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn đó (khoản 2, 3 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).
Trường hợp người thực hiện hành vi đưa thông tin cá nhân của người khác nhằm mục đích xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác với khung hình phạt từ 03 tháng đến 02 năm tù (Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015).
Tóm lại, đối với hành vi đăng tải hình ảnh, tin nhắn hay livestream công khai tố cáo lẫn nhau trên mạng xã hội nhằm đưa thông tin điều hướng dư luận, có ý xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác là dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi trên có thể vừa xử phạt hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ nghiêm trọng của sự việc.
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];