Từ vụ sản xuất sữa giả: Sẽ kiểm tra, rà soát nhân viên y tế tư vấn, giới thiệu, bán các sản phẩm sữa
Sẽ tăng cường kiểm tra, rà soát việc nhân viên y tế tư vấn các sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng không phải là thuốc cho người bệnh là nội dung theo chỉ đạo mới từ Bộ Y tế.
Quy định thế nào đối với việc tiêu thụ sản phẩm không phải là thuốc trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh?
Ngày 20/4/2025 Bộ Y tế đã ban hành Công văn 2350/BYT-KCB về việc tăng cường, giám sát thực hiện các quy định pháp luật trong khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Bệnh viện trực thuộc Bộ và Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện nội dung đối với việc tiêu thụ sản phẩm không phải là thuốc như sữa, thực phẩm chức năng… trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh:
+ Kiểm tra, rà soát việc nhân viên y tế tư vấn, giới thiệu, bán các sản phẩm sữa (đặc biệt các sản phẩm sữa giả đã được cơ quan điều tra, phát hiện), thực phẩm chức năng… cho người bệnh, người nhà.
+ Rà soát, bảo đảm hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện thực hiện theo đúng quy định tại Điều 67 Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 và Thông tư 18/2020/TT-BYT
+ Kiểm tra, giám sát việc thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm không phải là thuốc có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người; quảng cáo vượt quá phạm vi hành nghề hoặc vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, lợi dụng kiến thức y học để quảng cáo gian dối về khám bệnh, chữa bệnh
- Kê đơn thuốc, chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, thiết bị y tế, gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở KBCB khác hoặc có hành vi khác nhằm trục lợi
+ Xử lý nghiêm, tuyệt đối không bao che, dung túng các hành vi vi phạm; đồng thời tăng cường quán triệt, phổ biến các quy định của pháp luật, thông tin kịp thời để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của nhân viên y tế , người bệnh, người nhà và người dân trong việc tham gia phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm.
Sẽ kiểm tra, rà soát nhân viên y tế tư vấn, giới thiệu, bán các sản phẩm sữa (Hình từ internet)
Nguyên tắc hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện quy định thế nào?
Căn cứ Điều 2 Thông tư 18/2020/TT-BYT quy định hoạt động dinh dưỡng phải đảm bảo nguyên tắc sau:
[1] Các bệnh viện phải tổ chức hoạt động dinh dưỡng gắn với hoạt động khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện.
[2] Người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú đều được sàng lọc yếu tố nguy cơ về dinh dưỡng; đến khám bệnh, chữa bệnh nội trú đều được sàng lọc và đánh giá tình trạng dinh dưỡng.
[3] Người bệnh được chỉ định chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng dinh dưỡng và bệnh lý của mình.
[4] Bác sỹ điều trị, bác sỹ khoa dinh dưỡng là người quyết định chế độ dinh dưỡng cho người bệnh.
[5] Người làm công tác dinh dưỡng phải có trình độ chuyên môn về dinh dưỡng phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao.
Khoa Dinh dưỡng, bộ phận Dinh dưỡng có nhiệm vụ gì?
Căn cứ Điều 9 Thông tư 18/2020/TT-BYT quy định nhiệm vụ của khoa Dinh dưỡng, bộ phận Dinh dưỡng như sau:
[1] Tham mưu cho lãnh đạo bệnh viện về hoạt động dinh dưỡng trong bệnh viện.
[2] Xây dựng, triển khai quy trình kỹ thuật chuyên môn về dinh dưỡng lâm sàng trong bệnh viện.
[3] Tổ chức thực hiện các hoạt động khám, tư vấn và điều trị bằng chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng dinh dưỡng và bệnh lý cho người bệnh.
[4] Tổ chức xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp với tình trạng dinh dưỡng và bệnh lý cho người bệnh điều trị nội trú trong bệnh viện.
[5] Phối hợp với các khoa lâm sàng chỉ định chế độ dinh dưỡng bệnh lý cho người bệnh bị suy dinh dưỡng nặng, người bệnh được phân cấp chăm sóc cấp I.
[6] Quản lý thực phẩm, chế biến, cung cấp chế độ dinh dưỡng bệnh lý cho người bệnh tại giường bệnh. Kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm trong bệnh viện.
[7] Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về hoạt động dinh dưỡng tại các khoa lâm sàng và trong bệnh viện.
[8] Đầu mối xây dựng tài liệu tư vấn, truyền thông về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cho người bệnh, người nhà người bệnh và các đối tượng khác trong bệnh viện.
[9] Thực hiện hoạt động đào tạo, chỉ đạo tuyến về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.
[10] Nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong điều trị, phòng bệnh và nâng cao sức khỏe.
Từ khóa: sữa dinh dưỡng Thực phẩm chức năng cơ sở khám bệnh nhân viên y tế rà soát nhân viên y tế
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;