Tiền giả là gì? Cá nhân sử dụng tiền giả có bị xử lý hình sự ra sao?
Theo quy định hiện hành, tiền giả được hiểu là loại tiền không được sản xuất, phát hành theo đúng kỹ thuật, trình tự do Ngân hàng Nhà nước phát hành.
Vô ý sử dụng tiền giả có bị bắt không? (Hình từ Internet)
Tiền giả là gì? Cách nhận biết tiền giả ra sao?
1. Tiền giả là gì?
Căn cứ theo quy định tại Nghị định 87/2023/NĐ-CP quy định về phòng, chống tiền giả và bảo vệ tiền Việt Nam theo đó “Tiền giả” được hiểu là vật phẩm có một mặt hoặc hai mặt mô phỏng hình ảnh, hoa văn, màu sắc, kích thước của tiền Việt Nam để được chấp nhận giống như tiền Việt Nam, không có hoặc giả mạo các đặc điểm bảo an, không do Ngân hàng Nhà nước phát hành hoặc là tiền Việt Nam bị thay đổi, cắt ghép, chỉnh sửa để tạo ra tờ tiền có mệnh giá khác so với nguyên gốc.
Căn cứ theo quy định tại Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010 quy định về quyền phát hành tiền như sau:
[1] Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
[2] Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
[3] Ngân hàng Nhà nước bảo đảm cung ứng đủ số lượng và cơ cấu tiền giấy, tiền kim loại cho nền kinh tế.
[4] Tiền giấy, tiền kim loại phát hành vào lưu thông là tài sản "Nợ" đối với nền kinh tế và được cân đối bằng tài sản "Có" của Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy, theo quy định trên chỉ có Ngân hàng nhà nước mới được phát hành tiền. Những tổ chức, cá nhân khác tự ý tạo ra tiền giấy, tiền kim loại mà không phải là Ngân hàng nhà nước Việt Nam thì sẽ được xem là vi phạm pháp luật và không có giá trị sử dụng.
2. Cách nhận biết tiền giả
Hiện nay vấn đề tiền giả hết sức phức tạp và được làm giả rất tinh vi chính vì vậy mỗi cá nhân cần trang bị cho bản thân những kiến thức nhận biết chung về tiền giả để phòng tránh và cảnh báo cho những người khác khi gặp tiền giả, dưới đây là những yếu tố nhận biết cơ bản về tiền giả mà Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đưa ra:
[1] Kiểm tra chất lượng Polymer: Tiền thật sẽ được làm từ Polymer chất lượng cao và có khả năng đàn hồi tốt chính vì vậy có thể kiểm tra tiền giả bằng cách nắm và vo tròn tờ tiền xem độ đàn hồi có tốt không. Nên so sánh giữa hai tờ Polymer để nhận thấy sự khác biệt rõ hơn.
[2] Kiểm tra các yếu tố in nổi: Tại các vị trí có yếu tố in nổi, dùng tay sẽ cảm nhận được độ nổi, nhám ráp của nét in, như: Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc huy, mệnh giá bằng số và bằng chữ, dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM”.
[3] Kiểm tra mực đổi màu, dải Iriodin:
- Đối với mực đổi màu sẽ có ở 3 mệnh giá cụ thể: 500.000đ, 200.000đ và 100.000đ (500.000đ, 200.000đ: phía dưới, bên trái; 100.000đ: phía trên bên phải mặt trước tờ tiền).
- Đối với dải Iriodin sẽ có có ở 5 mệnh giá cụ thể: 500.000đ, 200.00đ, 100.000đ, 20.000đ và 10.000đ, là dải màu vàng chạy dọc tờ tiền và đặt tại mặt sau tờ tiền; riêng mệnh giá 100.000đ đặt tại mặt trước tờ tiền. Khi chao nghiêng tờ tiền, bạn sẽ thấy dải iriodin lấp lánh ánh kim, trên dải có số mệnh giá hoặc hoa văn.
Như vậy, bằng vật lý ta có thể nhận biết được cơ bản tiền giả và tiền thật một cách nhanh chóng. Trong trường hợp tiền giả làm quá tinh vi hoặc nghi ngờ đó là tiền giả thì có thể mang đến Ngân hàng để kiểm tra.
(Lưu ý: Nội dung nhận biết tiền giả chỉ mang tính chất tham khảo)
Cá nhân sử dụng tiền giả có bị xử lý hình sự như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015 về tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả
“Tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả
1. Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
2. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
3. Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
4. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Đồng thời căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về vô ý phạm tội như sau:
[1] Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.
[2] Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
Như vậy, dù vô ý sử dụng tiền giả hay cố ý sử dụng tiền giả thì đều vi phạm pháp luật và có thể bị phạt tù tuy nhiên mức độ nặng nhẹ sẽ phụ thuộc vào cơ quan điều tra trừ trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự là khi người vô ý sử dụng tiền giả chưa đủ tuổi nhận thức hành vi của mình trái quy định của pháp luật hoặc người đó chứng minh được mình hoàn toàn vô tội và không có lỗi khi thực hiện hành vi này. Chính vì vậy trong giao dịch cần chú ý những tờ tiền khả nghi hoặc có mệnh giá lớn, khi phát hiện hãy nhanh chóng nộp lại cho cơ quan có thẩm quyền.
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Nghị định 87/2023/NĐ-CP, các tổ chức, cá nhân có tiền giả thực hiện giao nộp cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước nơi gần nhất hoặc giao nộp cho cơ quan công an, cơ quan có thẩm quyền của quân đội, hải quan để chuyển về Ngân hàng Nhà nước.
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];