Nhấn vào mũi tên để hiển thị chuyên mục con hoặc nhấn vào tiêu đề để lọc theo chuyên mục cha
Tiệm cầm đồ có được tự ý quy định lãi suất cầm cố không?
Bài viết dưới đây sẽ đề cập các vấn đề liên quan đến vấn đề tiệm cầm đồ có được tự ý quy định lãi suất cầm cố không và các chế tài xử lý vi nếu có vi phạm.
Tiệm cầm đồ có được tự ý quy định lãi suất cầm cố không? (Hình từ Internet)
Tiệm cầm đồ là gì? Tiệm cầm đồ được thực hiện hoạt động nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định về dịch vụ cầm đồ như sau:
" Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và phạm vi quản lý
4. Kinh doanh dịch vụ cầm đồ, gồm: Kinh doanh dịch vụ cho vay tiền mà người vay tiền phải có tài sản hợp pháp mang đến cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ để cầm cố."
Theo đó tiệm cầm đồ chính là nơi thực hiện dịch vụ cầm đồ và thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự và phạm vi quản lý.
Bên cạnh đó, theo đời sống ta còn thể hiểu tiệm cầm đồ hay cửa hiệu cầm đồ là loại hình kinh doanh dịch vụ cho vay vốn thông qua việc cung cấp các khoản vay bảo đảm cho khách hàng trên cơ sở cầm cố, theo đó khách hàng sẽ nhận được một khoản tiền vay, bù lại họ phải cầm cược lại các tài sản của họ được sử dụng làm tài sản cầm cố hoặc sử dụng các loại giấy tờ có giá để thế chấp. Những loại hình cửa hàng này thường do một cá nhân (ông/bà chủ tiệm) đứng ra tổ chức.
Lãi suất khi cầm đồ thường do các bên thỏa thuận nhưng thông thường là do tiệm cầm đồ ấn định vì thông thường những người cầm đồ thường khó khăn về kinh tế (như thiếu tiền, cần vay nóng) hoặc mong muốn tiêu thụ tài sản (thường là tài sản phi pháp) và lãi suất thường cao hơn lãi suất của ngân hàng ấn định, thậm chí là lãi suất cắt cổ theo kiểu lãi suất chợ đen. Sau thời hạn ấn định sẵn mà khách hàng không đến chuộc đồ thì xem như đồ cầm cố thuộc về chủ tiệm.
(Lưu ý: Thông tin về :Tiệm cầm đồ" chỉ mang tính chất tham khảo)
Tiệm cầm đồ có được tự ý quy định lãi suất cầm cố không?
Căn cứ theo khoản 6 Điều 29 Nghị định 96/2016/NĐ-CP quy định lãi suất cầm cố khi nhận cầm cố tài sản không vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật dân sự.
Theo đó, tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
" Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận:
+ Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
+ Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định nêu trên thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định nêu trên tại thời điểm trả nợ."
Theo đó, chủ tiệm cầm đồ có quyền thỏa thuận lãi suất với người đi cầm đồ hoặc người đi vay tuy nhiên mức lãi suất không được quá 20%/năm của khoản tiền vay nếu không mức lãi suất vượt quá sẽ không có hiệu lực.
Kinh doanh tiệm cầm đồ cần điều kiện gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Nghị định 96/2016/NĐ-CP về điều kiện chung đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ như sau:
[1] Được đăng ký, cấp phép hoặc thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.
[2] Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh phải không thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đối với người Việt Nam:
+ Đã bị khởi tố hình sự mà các cơ quan tố tụng của Việt Nam hoặc của nước ngoài đang tiến hành điều tra, truy tố, xét xử.
+ Có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác do lỗi cố ý bị kết án từ trên 03 năm tù trở lên chưa được xóa án tích; đang trong thời gian được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù; đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ; đang bị quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự theo quyết định của Tòa án.
+ Đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian chờ thi hành quyết định; đang nghiện ma túy; đang được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành quyết định đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; đã bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính nhưng chưa đủ thời hạn để được coi là chưa bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
- Đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mang hộ chiếu nước ngoài và người nước ngoài:
+ Chưa được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp phép cư trú.
[3] Đủ điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.
Ngoài ra về điều kiện riêng đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ được quy định tại Điều 9 Nghị định 96/2016/NĐ-CP như sau:
Người chịu trách nhiệm về an ninh, trật tự của cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ phải là người có hộ khẩu thường trú ít nhất 05 năm tại xã, phường, thị trấn nơi đăng ký đặt địa điểm hoạt động kinh doanh và trong thời gian 05 năm liền kề trước thời điểm đăng ký kinh doanh không bị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi:
+ Chống người thi hành công vụ.
+ Gây rối trật tự công cộng.
+ Cố ý gây thương tích.
+ Cho vay lãi nặng.
+ Đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc,
+ Trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chiếm giữ trái phép tài sản.
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];