Mức hỗ trợ cho trẻ em, học sinh vùng khó khăn từ ngày 01/5/2025
Từ ngày 01/5/2025, mức hỗ trợ cho trẻ em, học sinh vùng khó khăn sẽ áp dụng theo Nghị định 66/2025/NĐ-CP.
Đối tượng trẻ em, học sinh vùng khó khăn được hưởng chính sách hỗ trợ
Chính sách hỗ trợ trẻ em tại các vùng cao, vùng dân tộc thiểu số được áp dụng với các đối tượng trẻ em sau đây:
[1] Trẻ em nhà trẻ bán trú học tại cơ sở giáo dục mầm non;
[2] Học sinh bán trú học tại cơ sở giáo dục phổ thông;
[3] Học viên bán trú học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông;
[4] Học sinh dân tộc nội trú học tại cơ sở giáo dục phổ thông được cấp có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ giáo dục học sinh dân tộc nội trú, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, Trường Hữu nghị 80, Trường Hữu nghị T78;
[5] Học sinh dự bị đại học học tại trường dự bị đại học, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc.
Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 2 Nghị định 66/2025/NĐ-CP
Mức hỗ trợ cho trẻ em, học sinh vùng khó khăn từ ngày 01/5/2025 (Hình từ Internet)
Mức hỗ trợ cho trẻ em, học sinh vùng khó khăn từ ngày 01/5/2025
Trẻ em nhà trẻ bán trú, học sinh bán trú, học sinh dân tộc nội trú và dự bị đại học ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số được hưởng các mức hỗ trợ khác nhau theo quy định tại Điều 6 Nghị định 66/2025/NĐ-CP
Chính sách đối với trẻ em nhà trẻ bán trú
Hỗ trợ tiền ăn trưa: Mỗi trẻ em nhà trẻ được hỗ trợ mỗi tháng là 360.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.
Chính sách đối với học sinh bán trú và học viên bán trú
[1] Hỗ trợ tiền ăn: Mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng là 936.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học;
[2] Hỗ trợ tiền nhà ở: Mỗi học sinh bán trú, học viên bán trú phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí chỗ ở trong trường hoặc học sinh lớp 1, lớp 2, học sinh khuyết tật có nhu cầu tự túc chỗ ở gần trường để người thân chăm sóc thì mỗi tháng được hỗ trợ 360.000 đồng và được hưởng không quá 9 tháng/năm học;
[3] Hỗ trợ gạo: Mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học;
[4] Học sinh bán trú lớp 1 là người dân tộc thiểu số có học tiếng Việt trước khi vào học chương trình lớp 1 thì được hưởng thêm 01 tháng các chính sách quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều 6 Nghị định 66/2025/NĐ-CP.
Chính sách đối với học sinh dân tộc nội trú và học sinh dự bị đại học
[1] Học bổng chính sách: Quy định tại Điều 9 Nghị định 84/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục 2019;
[2] Khen thưởng: Trong năm học, học sinh đạt danh hiệu “Học sinh Xuất sắc” được thưởng 800.000 đồng/học sinh; học sinh đạt danh hiệu “Học sinh Giỏi” được thưởng 600.000 đồng/học sinh;
[3] Trang cấp đồ dùng cá nhân và học phẩm
Học sinh dân tộc nội trú ở mỗi cấp học và học sinh dự bị đại học được cấp một lần bằng hiện vật: Chăn, màn và các đồ dùng cá nhân khác với mức kinh phí là 1.080.000 đồng/học sinh;
Mỗi năm học, học sinh được cấp 02 bộ quần áo đồng phục và học phẩm gồm: Vở, giấy, bút và các dụng cụ học tập khác với mức kinh phí là 1.080.000 đồng/học sinh;
[4] Tiền tàu xe: Học sinh dân tộc nội trú được cấp tiền tàu xe 02 lần vào dịp tết nguyên đán và dịp nghỉ hè (cả lượt đi và lượt về) theo giá vé thông thường của phương tiện giao thông công cộng (trường hợp địa bàn không có phương tiện giao thông công cộng thì được tính theo quãng đường và giá vé thông thường của phương tiện giao thông công cộng trên địa bàn tương đồng khác của tỉnh). Học sinh dự bị đại học và học sinh dân tộc nội trú cuối cấp chỉ được cấp tiền tàu xe một lần vào dịp tết nguyên đán (cả lượt đi và lượt về);
[5] Hỗ trợ gạo: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học.
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];