Ký và chuyển, giao biên bản vi phạm hành chính từ ngày 2/5/2025 được quy định cụ thể như thế nào?
Chính thức áp dụng quy định mới về việc ký và chuyển, giao biên bản vi phạm hành chính từ ngày 2/5/2025. Xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính được thực hiện như thế nào?
Áp dụng quy định mới về ký và chuyển, giao biên bản từ ngày 2/5/2025 như thế nào?
Căn cứ Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 68/2025/NĐ-CP quy định chi tiết về ký và chuyển, giao biên bản vi phạm hành chính như sau:
Thứ nhất, về ký biên bản vi phạm hành chính
(1) Biên bản vi phạm hành chính phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký, trừ trường hợp biên bản được lập theo quy định tại khoản 7 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012; trường hợp người vi phạm không ký được thì điểm chỉ; nếu có người chứng kiến, người phiên dịch, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại, thì họ cùng phải ký vào biên bản; trường hợp biên bản gồm nhiều trang, thì phải ký vào từng trang biên bản;
(2) Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc có mặt nhưng từ chối ký, điểm chỉ vào biên bản hoặc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính, thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất một người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến, thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.
Thứ hai, về chuyển, giao biên bản vi phạm hành chính
(i) Biên bản vi phạm hành chính được chuyển, giao theo quy định tại khoản 5 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Trường hợp người chưa thành niên vi phạm hành chính, thì biên bản còn được gửi cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó;
(ii) Trường hợp vi phạm hành chính xảy ra trên biển hoặc trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa, thì người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc người chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu hoặc người được chỉ huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu giao nhiệm vụ tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định 118/2021/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Nghị định 68/2025/NĐ-CP) và chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày vào đến bờ hoặc ngày tàu bay, tàu biển, tàu hỏa về đến sân bay, bến cảng, nhà ga.
Trường hợp tại thời điểm vào đến bờ, về đến sân bay, bến cảng, nhà ga mà chưa lập được biên bản vi phạm hành chính thì thời hạn chuyển biên bản vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012;
(iii) Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi lập biên bản vi phạm hành chính, thì biên bản vi phạm hành chính được gửi qua đường bưu điện bằng hình thức bảo đảm hoặc niêm yết tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức bị xử phạt.
Nếu người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm có mặt nhưng từ chối nhận hoặc biên bản đã được gửi qua đường bưu điện hoặc đã được niêm yết tại nơi cư trú của cá nhân, trụ sở của tổ chức bị xử phạt thì được coi là biên bản đã được giao
Quy định ký và chuyển, giao biên bản vi phạm hành chính (Hình từ internet)
Xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính được thực hiện như thế nào?
Căn cứ Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính được thực hiện như sau:
[1] Khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh các tình tiết sau đây:
+ Có hay không có vi phạm hành chính;
+ Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm hành chính;
+ Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;
+ Tính chất, mức độ thiệt hại do vi phạm hành chính gây ra;
+ Trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012;
+ Tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt.
Trong quá trình xem xét, ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có thể trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định.
[2] Việc xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính phải được thể hiện bằng văn bản.
Xem thêm
Từ khóa: Biên bản vi phạm hành chính Giao biên bản vi phạm hành chính Xác minh tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính Ký biên bản vi phạm hành chính xử phạt vi phạm hành chính
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;