Biên bản phạt nguội là gì? Ai được phép lập biên bản phạt nguội? Quy trình phạt nguội như thế nào?
Cụm từ "phạt nguội" đang rất được quan tâm trong đời sống hiện nay. Biên bản phạt nguội là gì? Ai được phép lập biên bản phạt nguội?
Biên bản phạt nguội là gì?
Pháp luật hiện hành không có định nghĩa cụ thể về biên bản phạt nguội. Biên bản phạt nguội có thể hiểu là thông báo vi phạm hành chính được thiết lập bằng văn bản ghi nhận vi phạm giao thông được xác định tự động qua hệ thống camera, thiết bị giám sát mà không cần dừng phương tiện khi vi phạm. Thông báo này có giá trị pháp lý như biên bản vi phạm trực tiếp.
Ai được phép lập biên bản phạt nguội? Quy trình phạt nguội như thế nào?
Ai được phép lập biên bản phạt nguội?
Căn cứ quy định tại Điều 46 Nghị định 168/2024/NĐ-CP, các chức danh có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ bao gồm:
- Chủ tịch UBND các cấp;
- Lực lượng Công an nhân dân bao gồm:
- Chiến sĩ Công an nhân dân;
- Thủ trưởng đơn vị Cảnh sát cơ động cấp đại đội, Trưởng trạm, Đội trưởng của chiến sĩ Công an nhân dân;
- Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động;
- Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh bao gồm: Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát cơ động, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Cảnh sát cơ động;
- Giám đốc Công an cấp tỉnh;
- Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Tư lệnh Cảnh sát cơ động.
- Thanh tra chuyên ngành, bao gồm:
+ Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ;
+ Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải;
+ Chánh Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trong trường hợp không thành lập Thanh tra Sở Giao thông vận tải);
+ Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.
- Công chức thuộc Thanh tra Sở Giao thông vận tải đang thi hành công vụ, nhiệm vụ có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm xảy ra trong phạm vi địa bàn quản lý của Thanh tra Sở Giao thông vận tải.
Những chức danh này có thẩm quyền lập biên bản đối với các hành vi vi phạm được phát hiện thông qua hệ thống camera giám sát giao thông để xử lý phạt nguội.
Quy trình phạt nguội như thế nào?
Theo quy định tại Thông tư 51/2022/TT-BGTVT, Thông tư 65/2020/TT-BCA và Thông tư 15/2022/TT-BCA, quy trình nhận và xử lý phạt nguội được thực hiện theo 05 bước sau:
Bước 1: Phát hiện vi phạm giao thông
Cảnh sát giao thông sử dụng các thiết bị ghi hình, hệ thống giám sát tự động (camera, máy đo tốc độ) hoặc tiếp nhận thông tin từ các tổ chức, cá nhân, nguồn từ các phương tiện đại chúng để phát hiện hành vi vi phạm giao thông.
Bước 2: Kiểm tra, phân tích và xác định vi phạm giao thông
- Xác minh thông tin về phương tiện, chủ sở hữu và các cá nhân liên quan thông qua cơ quan đăng ký xe và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Xác định thẩm quyền xử phạt: Nếu chủ sở hữu và các cá nhân liên quan không cư trú, đóng trụ sở tại địa bàn cấp huyện nơi cơ quan Công an đã phát hiện vi phạm hành chính có thể chuyển kết quả thu thập được bằng phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ về nơi cư trú của người vi phạm để xử lý (khoản 1 Điều 15 Nghị định 135/2021/NĐ-CP về xử lý kết quả thu thập được bằng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ).
Bước 3: Thông báo cho người vi phạm giao thông
Gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện, tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm hành chính đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính hoặc đến trụ sở Công an cấp xã, Công an cấp huyện nơi cư trú, đóng trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm hành chính nếu việc đi lại gặp khó khăn và không có điều kiện trực tiếp đến trụ sở cơ quan Công an nơi phát hiện vi phạm hành chính (Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 135/2021/NĐ-CP) bằng các hình thức:
+ Gửi qua đường bưu điện đến địa chỉ đăng ký xe.
+ Gửi tin nhắn SMS (tại một số địa phương áp dụng).
+ Công bố trên trang web của Cục CSGT hoặc CSGT địa phương.
Bước 4: Người vi phạm tiến hành nộp phạt hoặc khiếu nại
- Trường hợp đồng ý với biên bản phạt nguội, chủ phương tiện có thể nộp phạt bằng cách:
Nộp phạt trực tiếp: Cần chuẩn bị giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe của người vi phạm, căn cước công dân của người vi phạm (với mỗi loại giấy tờ photo 01 bản).
Nộp phạt online: Truy cập vào Cổng Dịch vụ công Bộ Công An để tiến hành nộp phạt.
- Trường hợp không đồng ý với biên bản phạt nguội: Chủ phương tiện hoặc người điều khiển có thể nộp đơn khiếu nại kèm theo bằng chứng như hình ảnh, video, hoặc tài liệu liên quan để chứng minh đến cơ quan công an nếu có bằng chứng chứng minh không vi phạm.
Bước 5: Cập nhật kết quả và kết thúc hồ sơ
Cập nhật trạng thái xử lý trên hệ thống quản lý vi phạm hành chính và thông báo kết quả cho các cơ quan liên quan như cơ quan đăng kiểm. Đồng thời, lưu trữ hồ sơ vụ việc theo quy định.
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];