Đặt camera quay lén trong khách sạn bị xử phạt như thế nào?
Đặt camera quay lén trong khách sạn có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015.
Đặt camera quay lén trong khách sạn bị xử phạt như thế nào? (Hình từ Internet)
Đặt camera quay lén trong khách sạn là hành vi vi phạm pháp luật
Khách sạn, nhà nghỉ được xem là nơi riêng tư của cá nhân. Vậy việc đặt camera quay lén ở nơi riêng tư là hành vi vi phạm pháp luật.
Cụ thể, theo khoản 1, 2 Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền riêng tư, bí mật cá nhân như sau:
Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Theo đó, với hành vi vi phạm pháp luật trên sẽ bị coi là xâm phạm quyền dân sự của cá nhân.
Được biết, khi quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền:
[1] Công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự của mình.
[2] Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm.
[3] Buộc xin lỗi, cải chính công khai.
[4] Buộc thực hiện nghĩa vụ.
[5] Buộc bồi thường thiệt hại.
[6] Hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.
[7] Yêu cầu khác theo quy định của luật.
Cơ sở pháp lý: Điều 11 Bộ luật Dân sự 2015
Đặt camera quay lén trong khách sạn bị xử phạt như thế nào?
Cá nhân có hành vi đặt camera quay lén trong khách sạn có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Về trách nhiệm hình sự, người phạm tội phải chịu một số tội danh như sau:
[1] Phát tán lên mạng nhằm làm nhục người khác
Tội làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 thay thế bởi khoản 2 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 với 03 khung hình phạt và 01 khung hình phạt bổ sung như sau:
Khung 1: Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Đối với 02 người trở lên;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Đối với người đang thi hành công vụ;
+ Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
+ Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.
Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
+ Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
+ Làm nạn nhân tự sát.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
[2] Nhằm kinh doanh văn hóa phẩm đồi trụy
Tội kinh doanh văn hóa phẩm đồi trụy được quy định tại Điều 326 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bổ sung bởi khoản 124 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 với 03 khung hình phạt và 01 khung hình phạt bổ sung như sau:
Khung 1: Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
+ Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);
+ Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh;
+ Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị;
+ Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người;
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
+ Có tổ chức;
+ Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB);
+ Ảnh có số lượng từ 200 ảnh đến dưới 500 ảnh;
+ Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 100 đơn vị đến dưới 200 đơn vị;
+ Phổ biến cho từ 21 người đến 100 người;
+ Phổ biến cho người dưới 18 tuổi;
+ Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;
+ Tái phạm nguy hiểm.
Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
+ Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên;
+ Ảnh có số lượng 500 ảnh trở lên;
+ Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng 200 đơn vị trở lên;
+ Phổ biến cho 101 người trở lên.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
[3] Nhằm uy hiếp tống tiền người khác
Tội dùng thủ đoạn uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 với 04 khung hình phạt và 01 khung hình phạt bổ sung như sau:
Khung 1: Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Khung 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
+ Có tổ chức;
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
+ Tái phạm nguy hiểm.
Khung 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
+ Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
Khung 4: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
+ Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
+ Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];