Công văn 2147: Sau sáp nhập tỉnh thì mỗi Trạm Y tế xã, phường phải có bao nhiêu bác sĩ theo định hướng mới từ Bộ Y tế?
Tổ chức, sắp xếp lại cơ sở y tế tại các đơn vị hành chính các cấp sau sáp nhập tỉnh theo định hướng mới từ Bộ Y tế tại Công văn 2147.
Nhân lực mỗi Trạm Y tế xã, phường phải đảm bảo bao nhiêu bác sĩ theo hướng dẫn mới từ Bộ Y tế?
+ Thực hiện Kết luận 137-KL/TW ngày 28/3/2025;
+ Quyết định 571/QĐ-TTg ngày 12/3/2025;
+ Nghị quyết 74/NQ-CP ngày 07/4/2025;
Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn về sắp xếp, tổ chức lại cơ sở y tế tại đơn vị hành chính các cấp, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp.
Theo đó, phương án sắp xếp, tổ chức lại các phòng khám đa khoa khu vực và các trạm y tế xã, phường, thị trấn theo Công văn 2147/BYT-TCCB ngày 12/4/2025 như sau:
[1] Duy trì, giữ nguyên các Phòng khám đa khoa khu vực, các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn hiện có và chuyển giao cho Ủy ban nhân dân cấp cơ sở (xã, phường mới) quản lý. Bảo đảm mỗi xã, phường mới sau sắp xếp có ít nhất 01 Trạm Y tế;
Tùy theo quy mô dân số và đặc điểm địa lý của mỗi xã, phường mới để duy trì hoặc tổ chức lại, thành lập thêm các Trạm Y tế do Ủy ban nhân dân cấp cơ sở (cấp xã, phường) quản lý để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân tại địa bàn xã, phường đó.
[2] Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trạm Y tế xã, phường tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư 33/2015/TT-BYT.
[3] Nhân lực của các Trạm Y tế xã, phường mới được bố trí trên cơ sở tiếp nhận viên chức tại Trạm Y tế xã, phường trước đây và được điều động, bổ sung từ các cơ sở y tế cấp tỉnh, từ Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố trước đây để bảo đảm mỗi Trạm Y tế xã, phường mới có ít nhất từ 02 bác sỹ trở lên.
Bộ Y tế sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu nhân lực của Trạm Y tế xã, phường thay thế Thông tư 33/2015/TT-BYT.
[4] Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở Y tế hỗ trợ các Trạm Y tế cấp cơ sở (cấp xã, phường) về nhân lực, chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ, bảo đảm đủ thuốc, thiết bị, vật tư y tế và duy trì hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Trạm Y tế để bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các Trạm Y tế cấp cơ sở (cấp xã, phường), không gián đoạn việc cung cấp các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn xã, phường mới.
Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố căn cứ hướng dẫn này và điều kiện thực tiễn của địa phương để thực hiện, bảo đảm hiệu lực hiệu quả hoạt động của các các cơ sở y tế sau sắp xếp, tổ chức lại.
Trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở y tế trên địa bàn, nếu có khó khăn, vướng mắc, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trao đổi, phối hợp với Bộ Y tế để tiếp tục hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định.
>> Như vậy, sau sáp nhập đơn vị hành chính, Bộ Y tế định hướng mỗi Trạm Y tế xã, phường phải có ít nhất 02 bác sỹ trở lên.
Sắp xếp lại cơ sở y tế tại đơn vị hành chính các cấp (Hình từ internet)
Xem chi tiết tại Công văn 2147/BYT-TCCB ngày 12/4/2025.
Trạm Y tế xã, phường thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 2 Thông tư 33/2015/TT-BYT, Trạm Y tế xã, phường thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật gồm:
[1] Về y tế dự phòng
- Thực hiện các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về tiêm chủng vắc xin phòng bệnh;
- Giám sát, thực hiện các biện pháp kỹ thuật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, bệnh không lây nhiễm, bệnh chưa rõ nguyên nhân; phát hiện và báo cáo kịp thời các bệnh, dịch;
- Hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về vệ sinh môi trường, các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe tại cộng đồng; phòng chống tai nạn thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn; y tế học đường; dinh dưỡng cộng đồng theo quy định của pháp luật;
- Tham gia kiểm tra, giám sát và triển khai các hoạt động về an toàn thực phẩm trên địa bàn xã theo quy định của pháp luật.
[2] Về khám bệnh, chữa bệnh; kết hợp, ứng dụng y học cổ truyền trong phòng bệnh và chữa bệnh
- Thực hiện sơ cứu, cấp cứu ban đầu;
- Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng theo phân tuyến kỹ thuật và phạm vi hoạt động chuyên môn theo quy định của pháp luật;
- Kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong khám bệnh, chữa bệnh bằng các phương pháp dùng thuốc và các phương pháp không dùng thuốc; ứng dụng, kế thừa kinh nghiệm, bài thuốc, phương pháp điều trị hiệu quả, bảo tồn cây thuốc quý tại địa phương trong chăm sóc sức khỏe nhân dân;
- Tham gia khám sơ tuyển nghĩa vụ quân sự
[3] Về chăm sóc sức khỏe sinh sản:
- Triển khai các hoạt động chuyên môn, kỹ thuật về quản lý thai; hỗ trợ đẻ và đỡ đẻ thường;
- Thực hiện các kỹ thuật chuyên môn về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em theo phân tuyến kỹ thuật và phạm vi hoạt động chuyên môn theo quy định của pháp luật.
[4] Về cung ứng thuốc thiết yếu:
- Quản lý các nguồn thuốc, vắc xin được giao theo quy định;
- Hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và hiệu quả;
- Phát triển vườn thuốc nam mẫu phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.
[5] Về quản lý sức khỏe cộng đồng:
- Triển khai việc quản lý sức khỏe hộ gia đình, người cao tuổi, các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh chưa rõ nguyên nhân, bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính;
- Phối hợp thực hiện quản lý sức khỏe học đường.
[6] Về truyền thông, giáo dục sức khoẻ:
- Thực hiện cung cấp các thông tin liên quan đến bệnh, dịch; tiêm chủng; các vấn đề có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ cộng đồng và tuyên truyền biện pháp phòng, chống;
- Tổ chức tuyên truyền, tư vấn, vận động quần chúng cùng tham gia thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân; công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];