Có các biện pháp quản lý giá thuốc nào kể từ ngày 1/7/2025? Quản lý hạ tầng hệ thống đơn thuốc Quốc gia như thế nào?
Các biện pháp quản lý giá thuốc nào kể từ ngày 1/7/2025? Quản lý hạ tầng hệ thống đơn thuốc Quốc gia như thế nào?
Có các biện pháp quản lý giá thuốc nào kể từ ngày 1/7/2025?
Căn cứ Điều 107 Luật Dược 2016 được sửa đổi bởi khoản 43 Điều 1 Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược 2016, quy định các biện pháp quản lý giá thuốc kể từ ngày 1/7/2025 sẽ áp dụng bao gồm:
[1] Đấu thầu thuốc dự trữ quốc gia, đấu thầu thuốc tại cơ sở y tế thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật về dự trữ quốc gia.
[2] Đấu thầu, đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ cung cấp thuốc phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia, quốc phòng, an ninh, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa, phòng, chống dịch bệnh theo quy định của pháp luật.
[3] Công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến đối với thuốc kê đơn, trừ trường hợp được miễn công bố do Chính phủ quy định đối với thuốc sản xuất trong nước hoặc thuốc nhập khẩu không vì mục đích thương mại.
[4] Kiến nghị về mức giá bán buôn thuốc dự kiến đã công bố, công bố lại trong quá trình thuốc lưu hành trên thị trường khi Bộ Y tế phát hiện một trong các trường hợp sau đây:
(i) Giá bán buôn thuốc dự kiến cao hơn mức giá cao nhất của mặt hàng thuốc tương tự đã công bố, công bố lại mà chưa có kiến nghị của Bộ Y tế
Trừ trường hợp cơ sở có báo cáo giải trình và có tài liệu chứng minh phù hợp về sự biến động giá.
Trường hợp thuốc có giá bán buôn dự kiến có hàm lượng hoặc nồng độ theo đơn vị liều khác với các mặt hàng thuốc tương tự thì sẽ thực hiện so sánh mức giá theo quy đổi tương đương;
(ii) Mức chênh lệch của giá bán buôn thuốc dự kiến so với giá trúng thầu của chính mặt hàng thuốc đó cao hơn mức chênh lệch tối đa do Chính phủ quy định, trừ trường hợp cơ sở có báo cáo giải trình và có tài liệu chứng minh phù hợp về sự biến động giá;
(iii) Thuốc có giá bán buôn dự kiến công bố, công bố lại chưa có mặt hàng thuốc tương tự lưu hành tại Việt Nam và có mức giá công bố, công bố lại cao hơn giá bán tại nước xuất xứ hoặc nước khác, trừ trường hợp cơ sở có báo cáo giải trình và có tài liệu chứng minh phù hợp về sự biến động giá.
[5] Kê khai giá bán buôn, giá bán lẻ thuốc thuộc Danh mục thuốc thiết yếu theo quy định của pháp luật về giá.
[6] Niêm yết giá bán buôn, giá bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật về giá.
[7] Bình ổn giá thuốc theo quy định của pháp luật về giá.
[8] Hiệp thương giá thuốc theo quy định của pháp luật về giá.
[9] Đàm phán giá thuốc đối với các gói thầu mua thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
[10] Quy định thặng số bán lẻ tối đa đối với thuốc bán tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
[11] Chính phủ quy định chi tiết việc công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến đối với thuốc kê đơn và mục [4], mục [10].
Các biện pháp quản lý giá thuốc từ 1/7/2025 (Hình từ internet)
Quản lý hạ tầng hệ thống đơn thuốc Quốc gia như thế nào?
Căn cứ Điều 14 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 425/QĐ-BYT ngày 5/2/2025 quy định quản lý hạ tầng hệ thống đơn thuốc Quốc gia như sau:
[1] Quản lý, vận hành hạ tầng kỹ thuật phục vụ triển khai Hệ thống đơn thuốc Quốc gia:
(i) Hệ thống máy chủ, hạ tầng mạng và cơ sở hạ tầng khác (cơ sở hạ tầng) phải được triển khai tại trung tâm dữ liệu đáp ứng các yêu cầu của Hệ thống đơn thuốc Quốc gia.
Địa điểm cài đặt phải được thông báo cho cơ quan quản lý dữ liệu của Bộ Y tế;
(ii) Hạ tầng máy chủ phải được duy trì hoạt động 24/24, đơn vị cung cấp, vận hành máy chủ phải có cán bộ chuyên môn theo dõi thường xuyên để khắc phục sự cố;
(iii) Trường hợp thay đổi cấu hình hạ tầng làm gián đoạn hệ thống hoạt động:
+ Đơn vị quản lý vận hành phải thông báo và được phép của cơ quan có liên quan.
+ Thời gian đơn vị quản lý vận hành có trách nhiệm thông báo trước cho cơ quan quản lý có liên quan ít nhất 5 ngày trước khi thực hiện thay đổi.
+ Trường hợp sự cố do yếu tố hạ tầng làm gián đoạn hoạt động hệ thống: đơn vị quản lý, vận hành phải thông báo ngay cho cơ quan có liên quan và tiến hành khắc phục sự cố trong thời gian nhanh nhất;
(iv) Hạ tầng Hệ thống đơn thuốc Quốc gia được theo dõi, giám sát hoạt động kịp thời phát hiện, cảnh báo và khắc phục sự cố bất thường nhanh nhất có thể;
(v) Các thao tác chỉnh sửa dữ liệu phải được ghi nhật ký (Log) trên hệ thống gắn liền với tài khoản của người sử dụng để có thể truy vết.
[2] Quản lý, vận hành cơ sở dữ liệu
+ Cơ sở dữ liệu cần được sao lưu tự động hàng ngày vào một thời điểm cố định, dữ liệu sao lưu được lưu trên máy chủ (hoặc thiết bị lưu trữ cố định) khác với máy chủ cài đặt phần mềm và cơ sở dữ liệu
+ Cán bộ kỹ thuật quản lý cơ sở dữ liệu không được di chuyển, sao chép dữ liệu theo bất kỳ hình thức nào ra ngoài khỏi hệ thống máy chủ đã được cài đặt theo kế hoạch, không được chỉnh sửa trực tiếp vào hệ thống cơ sở dữ liệu.
Xem thêm
Từ khóa: Giá thuốc Biện pháp quản lý giá thuốc Hệ thống đơn thuốc Sự biến động giá Giá bán buôn thuốc Thuốc kê đơn
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;