Chính sách tiền lương của công chức sau sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện sẽ như thế nào?
Bộ Nội vụ đang đề xuất tiền lương của công chức sau sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện sẽ được bảo lưu trong thời gian 6 tháng.
Chính sách tiền lương của công chức sau sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện sẽ như thế nào? (Hình từ Internet)
Ngày 26/3/2025, Bộ Nội vụ đã công bố về Dự thảo Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính; trong đó có nội dung chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức sau sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện.
Chính sách tiền lương của công chức sau sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện sẽ như thế nào?
Theo Dự thảo Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính, chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) hiện hưởng của cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được bố trí làm việc tại đơn vị cấp tỉnh, cấp xã mới sẽ được bảo lưu trong thời gian 06 tháng.
Sau thời hạn bảo lưu, thực hiện chế độ, chính sách và phụ cấp chức vụ theo quy định của pháp luật.
Đối với các chế độ, chính sách đặc thù ở các đơn vị hành chính mới sau sắp xếp, cán bộ, công chức, viên chức, người lạo động, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang tiếp tục được hưởng chế độ, chính sách đặc thù theo khu vực hoặc theo vùng như trước khi thực hiện sắp xếp cho đến khi có quyết định khác của cấp có thẩm quyền.
Bên cạnh đề xuất chính sách tiền lương đối với công chức sau sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện, tại Dự thảo Nghị quyết cũng nêu ra hướng dẫn về số lượng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp tỉnh mới sau sắp xếp.
Theo đó, số lượng cán bộ, công chức, viên chức sau sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp tỉnh trước sắp xếp.
Riêng cấp xã, số lượng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức có mặt tại các đơn vị hành chính cấp xã trước sắp xếp và số lượng cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện được bố trí xuống làm việc tại đơn vị hành chính cấp xã mới.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính, bảo đảm tỉnh giản gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, phù hợp với thực tiễn của địa phương.
(Điều 13 và Điều 15 Dự thảo Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính)
Tiêu chí xác định tỉnh thành thuộc diện sáp nhập tỉnh (Đề xuất)
Cụ thể, việc sáp nhập tỉnh là việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh theo định hướng phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để giảm số lượng, tăng quy mô đơn vị hành chính, mở rộng không gian phát triển, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế của các địa phương.
Trong đó, tiêu chí xác định đơn vị hành chính cấp tinh thực hiện sắp xếp gồm:
- Tiêu chí về Diện tích tự nhiên và Quy mô dân số: Thực hiện sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp tỉnh có diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số dưới 100% tiêu chuẩn của đơn vị hành chính tương ứng quy định tại Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính đã được sủa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết 27/2022/UBTVQH15 ngày 21 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sau đây gọi là Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính).
- Tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hoá, dân tộc: Đơn vị hành chính cấp tỉnh có yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hoá, dân tộc tương đồng, bảo đảm khối đoàn kết gắn bó của cộng đồng dân cư; giữ gìn và phát huy văn hóa, lịch sử, dân tộc của mỗi địa phương.
- Tiêu chí về địa kinh tế: Đơn vị hành chính cấp tỉnh có vị trí địa lý liền kề, điều kiện tự nhiên, hạ tầng giao thông, sự phân bố và tổ chức các không gian kinh tế, quy mô và trình độ phát triển kinh tế phù hợp nhằm bảo đảm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế của mỗi địa phương, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đơn vị hành chính sau sắp xếp.
- Tiêu chí về địa chính trị: Cân nhắc kỹ các yếu tố về trình độ, năng lực quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương, mức độ chuyển đổi số, việc ứng dụng công nghệ thông tin của chính quyền địa phương và người dân.
- Tiêu chí về quốc phòng, an ninh: Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt xây dựng khu vực phòng thủ vũng chắc tại các địa bàn trọng yếu, khu vực đảo, quần đảo và vùng biên giới.
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];