Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam mới nhất từ 01/7/2025 cần những gì?
Bài viết dưới đây sẽ cập nhật mới các thành phần trong hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam áp dụng từ ngày 01/7/2025 theo quy định mới của Luật Quốc tịch Việt Nam.
Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam mới nhất từ 01/7/2025 cần những gì? (Hình từ Internet)
Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam mới nhất từ 01/7/2025 cần những gì?
Theo Luật Quốc tịch Việt Nam mới nhất, hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam từ 01/7/2025 gồm có các giấy tờ sau đây:
[1] Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam;
[2] Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế;
- Giấy tờ khác có giá trị thay thế Giấy khai sinh, Hộ chiếu đối với người không quốc tịch xin nhập quốc tịch Việt Nam là giấy tờ có thông tin về họ tên, ngày, tháng, năm sinh, có dán ảnh của người đó và đóng dấu của cơ quan có thẩm quyền hoặc giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
- Bản sao Giấy khai sinh của con chưa thành niên cùng nhập quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con, trong trường hợp cơ quan tiếp nhận không thể khai thác được thông tin chứng minh quan hệ cha, mẹ, con trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Trường hợp người chưa thành niên có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam xin nhập quốc tịch Việt Nam, trường hợp chỉ người cha hoặc người mẹ nhập quốc tịch Việt Nam mà con chưa thành niên sinh sống cùng người đó nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ thì phải nộp văn bản thỏa thuận có đủ chữ ký của cha mẹ về việc xin nhập quốc tịch Việt Nam cho con. Văn bản thỏa thuận không phải chứng thực chữ ký; người đứng đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam cho con phải chịu trách nhiệm về tính chính xác chữ ký của người kia.
Trường hợp cha, mẹ đã chết, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì văn bản thỏa thuận được thay thế bằng giấy tờ chứng minh cha, mẹ đã chết, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự;
[3] Bản khai lý lịch;
[4] Giấy tờ chứng minh thông tin lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp phù hợp với pháp luật của nước đó đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Giấy tờ chứng minh thông tin lý lịch tư pháp được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;
[5] Giấy tờ chứng minh trình độ Tiếng Việt;
Cụ thể, giấy tờ chứng minh trình độ tiếng Việt của người xin nhập quốc tịch Việt Nam là bản sao văn bằng, chứng chỉ để chứng minh người đó đã học bằng tiếng Việt tại Việt Nam như bản sao bằng tiến sĩ, bằng thạc sĩ, bằng cử nhân hoặc bằng tốt nghiệp đại học, bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp (bao gồm bằng tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp hoặc trung cấp chuyên nghiệp) hoặc bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc trung học cơ sở của Việt Nam hoặc bản sao chứng chỉ tiếng Việt theo khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài do cơ sở giáo dục của Việt Nam cấp theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam không có giấy tờ chứng minh trình độ tiếng Việt thì Sở Tư pháp tổ chức kiểm tra, phỏng vấn về khả năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt của người đó bảo đảm đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 191/2025/NĐ-CP.
Thành phần tham gia phỏng vấn có đại diện của Sở Tư pháp và Sở Giáo dục và Đào tạo. Kết quả kiểm tra, phỏng vấn phải được lập thành văn bản. Những người trực tiếp kiểm tra, phỏng vấn chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra, phỏng vấn và ý kiến đề xuất của mình
[6] Giấy tờ chứng minh về chỗ ở, thời gian thường trú ở Việt Nam;
Bản sao Thẻ thường trú, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 (sửa đổi, bổ sung 2025).
[7] Giấy tờ chứng minh bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam.
Cụ thể, giấy tờ chứng minh khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam gồm một trong các giấy tờ sau:
- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản;
- Giấy tờ do cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận về mức lương hoặc thu nhập;
- Giấy tờ bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam;
- Giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú về tình trạng nhà ở, công việc, thu nhập của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Những người được miễn một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định thì được miễn các giấy tờ tương ứng với điều kiện được miễn nhưng cũng phải nộp giấy tờ sau:
- Trường hợp có vợ, chồng là công dân Việt Nam thì nộp bản sao Giấy chứng nhận kết hôn hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; nếu có cha đẻ, mẹ đẻ, con đẻ là công dân Việt Nam thì nộp bản sao Giấy khai sinh hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha, mẹ, con;
Nếu có ông nội và bà nội hoặc ông ngoại và bà ngoại là công dân Việt Nam thì nộp bản sao giấy tờ hợp lệ để chứng minh, trong trường hợp cơ quan tiếp nhận không thể khai thác được thông tin trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;
- Người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ là có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định tại Điều 12 Nghị định 191/2025/NĐ-CP thì nộp giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp tương ứng.
Đối với người xin nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài phải có giấy tờ sau:
- Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp về việc giữ quốc tịch nước ngoài phù hợp với pháp luật của nước đó.
Trường hợp pháp luật nước ngoài không quy định việc cấp loại giấy tờ này thì người đó phải có bản cam đoan về việc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài không quy định việc cấp loại giấy tờ này và việc xin giữ quốc tịch nước ngoài khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó;
- Bản cam kết không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài mà không đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định tại khoản 6 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài.
Cơ sở pháp lý: Điều 20 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 (sửa đổi, bổ sung 2025); Điều 13 Nghị định 191/2025/NĐ-CP.
Trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam từ ngày 01/7/2025
Từ ngày 01/7/2025, trình tự, thủ tục giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam như sau:
- Người xin nhập quốc tịch Việt Nam nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp nếu cư trú ở trong nước, cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại nếu cư trú ở nước ngoài.
Trong trường hợp hồ sơ không có đầy đủ các giấy tờ theo quy định hoặc không hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận thông báo ngay để người xin nhập quốc tịch Việt Nam bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
- Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp gửi văn bản đề nghị cơ quan Công an cấp tỉnh xác minh về nhân thân của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, cơ quan Công an cấp tỉnh có trách nhiệm xác minh và gửi kết quả đến Sở Tư pháp. Trong thời gian này, Sở Tư pháp phải tiến hành thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp.
- Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc nhận được kết quả xác minh từ Bộ Công an đối với hồ sơ do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam thì gửi thông báo bằng văn bản cho người xin nhập quốc tịch Việt Nam để làm thủ tục xin thôi quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài hoặc là người không quốc tịch.
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy cho thôi quốc tịch nước ngoài của người xin nhập quốc tịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài, người xin nhập quốc tịch Việt Nam là người không quốc tịch thì trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc nhận được kết quả xác minh từ Bộ Công an đối với hồ sơ do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài gửi, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin nhập quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Cơ sở pháp lý: Điều 21 Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 (sửa đổi, bổ sung 2025).
Từ khóa: Nhập quốc tịch việt nam Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam Quốc tịch Việt Nam Luật Quốc tịch Việt Nam Thủ tục giải quyết hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;
Bài viết liên quan
