Đối tượng nào được miễn học phí từ năm học 2025 - 2026 theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo?
Theo đề xuất của BGD&ĐT14 đối tượng nào được miễn học phí từ năm học 2025 - 2026? Nguyên tắc xác định học phí trong cơ sở giáo dục theo Dự thảo Nghị định?
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố tài liệu hồ sơ thẩm định để lấy ý kiến về Nghị định quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm, hỗ trợ học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo. (Sau đây gọi là Dự thảo Nghị định)
14 đối tượng được miễn học phí từ năm học 2025 - 2026 (Đề xuất)
Trong đó, tại Điều 16 Dự thảo Nghị định, Bộ Giáo dục đã đề xuất mở rộng thêm đối tượng được miễn học phí từ năm học 2025 - 2026.
Cụ thể, gồm 14 đối tượng sau đây:
(1) Trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông (học viên theo học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và học viên theo học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông) trong cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
(2) Các đối tượng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng nếu đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
(3) Học sinh, sinh viên là người khuyết tật.
(4) Người học từ 16 tuổi đến 22 tuổi đang học giáo dục đại học văn bằng thứ nhất thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Nghị định 20/2021/NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
+ Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.
(5) Học sinh, sinh viên hệ cử tuyển (kể cả học sinh cử tuyển học nghề nội trú với thời gian đào tạo từ 3 tháng trở lên) theo quy định của Chính phủ về chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
(6) Học sinh trường dự bị đại học, khoa dự bị đại học.
(7) Học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học người dân tộc thiểu số có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc ông, bà (trong trường hợp ở với ông, bà) thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
(8) Sinh viên học chuyên ngành Mác-Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh.
(9) Học viên sau đại học trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, bác sĩ nội trú chuyên khoa chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần, truyền nhiễm và hồi sức cấp cứu tại cơ sở giáo dục công lập thuộc khối ngành sức khỏe.
(10) Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người theo quy định của Chính phủ về quy định chính sách đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên dân tộc 14 thiểu số rất ít người ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn theo quy định hiện hành của cơ quan có thẩm quyền.
(11) Người học thuộc đối tượng của các chương trình, đề án được miễn học phí theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
(12) Người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp.
(13) Người học các trình độ trung cấp, cao đẳng, đối với các ngành, nghề khó tuyển sinh nhưng xã hội có nhu cầu theo danh mục do cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
(14) Người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Các ngành, nghề chuyên môn đặc thù do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định.
Trên đây là thông tin về "14 đối tượng được miễn học phí từ năm học 2025 - 2026 (Đề xuất)"
14 đối tượng được miễn học phí từ năm học 2025 - 2026 theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo? (Hình ảnh Internet)
Nguyên tắc xác định học phí trong cơ sở giáo dục theo Dự thảo Nghị định?
Theo Điều 8 Dự thảo Nghị định quy định nguyên tắc xác định học phí trong cơ sở giáo dục như sau:
- Đối với cơ sở giáo dục công lập.
+ Mức học phí được xác định theo nguyên tắc bù đắp chi phí, có tích lũy hợp lý theo quy định của Luật Giá và lộ trình tính đủ chi phí phù hợp với từng cấp học, điều kiện kinh tế xã hội của từng địa bàn dân cư, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm.
Đối với chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục đại học công lập đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định hoặc đạt mức kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế hoặc tương đương, cơ sở giáo dục đại học được tự xác định mức thu học phí của chương trình đó trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ sở giáo dục ban hành, thực hiện công khai giải trình với người học, xã hội.
- Đối với cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.
+ Cơ sở giáo dục dân lập, tư thục được quyền chủ động xây dựng mức thu học phí và giá các dịch vụ khác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo (trừ dịch vụ do Nhà nước định giá) bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý theo quy định Luật Giá 2023.
+ Thực hiện công khai theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm giải trình với người học, xã hội về mức thu học phí, giá các dịch vụ do mình quyết định; thuyết minh các yếu tố cấu thành giá, lộ trình, tỷ lệ tăng học phí các năm tiếp theo (không quá 15% đối với đào tạo đại học; không quá 10% đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông).
Xem thêm
Từ khóa: Đối tượng được miễn học phí Đối tượng được miễn học phí từ năm học 2025 - 2026 14 đối tượng được miễn học phí Miễn học phí Nguyên tắc xác định học phí Cơ sở giáo dục
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;