Nhấn vào mũi tên để hiển thị chuyên mục con hoặc nhấn vào tiêu đề để lọc theo chuyên mục cha
Dự thảo Luật sửa đổi Luật Quốc tịch Việt Nam
Mới đây, Bộ Tư pháp đã có tài liệu thẩm định dự án Luật sửa đổi Luật Quốc tịch Việt Nam, trong đó sửa đổi quy định liên quan đến thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Dự thảo Luật sửa đổi Luật Quốc tịch Việt Nam (Hình từ Internet)
Mới đây, Bộ Tư pháp đã công bố Dự thảo Luật sửa đổi Luật Quốc tịch Việt Nam.
Dự thảo Luật sửa đổi Luật Quốc tịch Việt Nam
Cụ thể, Dự thảo Luật sửa đổi Luật Quốc tịch Việt Nam gồm 03 Điều, cụ thể như sau:
- Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.
- Điều 2. Hiệu lực thi hành.
- Điều 3. Điều khoản chuyển tiếp.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung nội dung của 17/44 điều, cụ thể như sau:
[1] Sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến thủ tục xin nhập quốc tịch Việt Nam
- Sửa đổi quy định về điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các trường hợp có cha hoặc mẹ hoặc ông bà nội hoặc ông bà ngoại là công dân Việt Nam; nhà đầu tư, nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài… được nhập quốc tịch Việt Nam, cụ thể:
+ Sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 19 theo hướng đối với người chưa thành niên có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thì không cần đáp ứng điều kiện “có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”.
+ Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 19 theo hướng người xin nhập quốc tịch Việt Nam nếu có cha hoặc mẹ hoặc ông bà nội hoặc ông bà ngoại là công dân Việt Nam; có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì được miễn các điều kiện quy định tại điểm c, d, đ, e khoản 1 Điều 19 dự thảo Luật.
Theo đó các trường hợp này được phép nộp hồ sơ tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mà không cần phải về nước thường trú.
- Bỏ quy định về trường hợp đặc biệt được nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài và giao Chính phủ quy định điều kiện cụ thể. Theo đó, các trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài nêu tại khoản 2, khoản 2a Điều 19 dự thảo Luật chỉ cần đáp ứng hai điều kiện:
+ Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.
+ Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
[2] Sửa đổi, bổ sung quy định về trở lại quốc tịch Việt Nam
- Sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 23 theo hướng bỏ quy định về các trường hợp được trở lại quốc tịch Việt Nam tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 23 Luật Quốc tịch Việt Nam. Như vậy, tất cả các trường hợp đã mất quốc tịch Việt Nam có đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì có thể được xét trở lại quốc tịch Việt Nam. Theo đó, tên của Điều này được sửa đổi thành “Điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam” bảo đảm phù hợp với nội dung.
- Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 23 theo hướng bỏ quy định “Người được trở lại quốc tịch Việt Nam phải thôi quốc tịch nước ngoài” và trường hợp đặc biệt được giữ quốc tịch nước ngoài.
Theo đó, giao Chính phủ quy định các trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài chỉ cần đáp ứng hai điều kiện:
+ Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi trở lại quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài đó.
+ Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
[3] Sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan
- Vì “nới lỏng” quy định cho nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài nên dự thảo Luật bổ sung quy định “Công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài khi thực hiện các quyền ứng cử, tuyển dụng vào các chức danh, làm việc trong tổ chức bộ máy Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội, tham gia lực lượng vũ trang của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải thôi quốc tịch nước ngoài và phải thường trú tại Việt Nam.
Trường hợp pháp luật có liên quan khác với quy định này thì áp dụng quy định tại Luật này.” tại Điều 5 Luật Quốc tịch Việt Nam (Quan hệ giữa nhà nước và công dân) nhằm bảo đảm chủ quyền, an ninh chính trị, lợi ích quốc gia cũng như tính trung thành và trách nhiệm của công dân đối với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc quy định nguyên tắc áp dụng nêu trên bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 6 Điều 58 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 .
- Bổ sung thẩm quyền cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam đối với các trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài có cha hoặc mẹ hoặc ông bà nội hoặc ông bà ngoại là công dân Việt Nam; có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hoặc có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định tại khoản 2a Điều 19 dự thảo Luật.
- Sửa đổi quy định liên quan đến vấn đề xác minh nhân thân trong hồ sơ xin nhập/xin trở lại quốc tịch Việt Nam. Theo đó, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công an xác minh nhân thân đối với tất cả các hồ sơ xin nhập/xin trở lại quốc tịch Việt Nam được tiếp nhận tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài bảo đảm vấn đề an ninh chính trị.
- Do thủ tục nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam cho phép người yêu cầu cam đoan về một số điều kiện để được giữ quốc tịch nước ngoài trong trường hợp pháp luật nước ngoài không quy định việc cấp giấy tờ để xác nhận về những nội dung này, vì vậy cần có quy định về chế tài xử lý giấy tờ được cấp trong trường hợp người yêu cầu cam đoan không đúng sự thật.
Cụ thể: dự thảo Luật bổ sung việc hủy bỏ Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam trong trường hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam có hành vi cam đoan không đúng sự thật, bỏ quy định thời hiệu 5 năm hủy bỏ Quyết định cho nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam tại Điều 33; bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Tòa án trong việc lập hồ sơ kiến nghị hủy bỏ Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam tại Điều 34; bổ sung quy định “Bị hủy bỏ Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam vào căn cứ mất quốc tịch Việt Nam tại Điều 26 Luật Quốc tịch Việt Nam.
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];