Từ 1/1/2026, ai được ưu tiên trong tuyển dụng giáo viên?
Theo Luật Nhà giáo 2025, ai được ưu tiên trong tuyển dụng giáo viên?
Từ 1/1/2026, ai được ưu tiên trong tuyển dụng giáo viên?
Căn cứ khoản 3 Điều 14 Luật Nhà giáo 2025 (có hiệu lực từ 1/1/2026) quy định như sau:
Tuyển dụng nhà giáo
...
3. Đối tượng được ưu tiên trong tuyển dụng bao gồm:
a) Người đã làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục tại vị trí việc làm phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng;
b) Đối với giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên người có kỹ năng nghề cao, có kinh nghiệm trong thực tế sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với ngành, nghề giảng dạy;
c) Trường hợp ưu tiên tuyển dụng khác theo quy định của pháp luật.
4. Những người không được đăng ký tuyển dụng bao gồm:
a) Người mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
b) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành bản án, quyết định về hình sự của Tòa án; đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc;
c) Người đã có tiền án về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người theo quy định của Bộ luật Hình sự.
5. Hợp đồng đối với nhà giáo bao gồm hợp đồng làm việc thực hiện theo quy định của pháp luật về viên chức và hợp đồng lao động thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.
6. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1, điểm a và điểm b khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này; quy định điều kiện, trình tự, thủ tục tuyển dụng nhà giáo là người nước ngoài.
Theo đó, từ 1/1/2026, đối tượng sau đây được ưu tiên trong tuyển dụng giáo viên:
- Người đã làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục tại vị trí việc làm phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng;
- Đối với giáo dục nghề nghiệp, ưu tiên người có kỹ năng nghề cao, có kinh nghiệm trong thực tế sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với ngành, nghề giảng dạy;
- Trường hợp ưu tiên tuyển dụng khác theo quy định của pháp luật.
Từ 1/1/2026, ai được ưu tiên trong tuyển dụng giáo viên? (Hình từ Internet)
Ai có thẩm quyền tuyển dụng giáo viên?
Căn cứ khoản 2 Điều 14 Luật Nhà giáo 2025 quy định như sau:
Tuyển dụng nhà giáo
1. Nội dung và phương thức tuyển dụng nhà giáo được quy định như sau:
a) Nội dung tuyển dụng căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp nhà giáo;
b) Phương thức tuyển dụng thông qua thi tuyển hoặc xét tuyển, trong đó phải có thực hành sư phạm.
2. Thẩm quyền tuyển dụng được quy định như sau:
a) Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập, việc tuyển dụng nhà giáo do người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện;
b) Đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập, việc tuyển dụng nhà giáo do người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục;
c) Đối với trường của lực lượng vũ trang nhân dân, thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an;
d) Đối với cơ sở giáo dục không thuộc quy định tại các điểm a, b và c khoản này, thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
...
Theo đó, thẩm quyền tuyển dụng được quy định như sau:
- Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, cơ sở giáo dục đại học công lập: việc tuyển dụng nhà giáo do người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện;
- Đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập: việc tuyển dụng nhà giáo do người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục;
- Đối với trường của lực lượng vũ trang nhân dân: thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an;
- Đối với cơ sở giáo dục không thuộc các trường hợp trên, thẩm quyền tuyển dụng nhà giáo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giáo viên không được làm những việc nào?
Căn cứ Điều 11 Luật Nhà giáo 2025, giáo viên không được làm những việc sau đây:
- Nhà giáo trong cơ sở giáo dục công lập không được làm những việc viên chức không được làm theo quy định của pháp luật về viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan. Nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập không được thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động theo quy định của pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Ngoài quy định trên, nhà giáo không được làm các việc sau đây:
+ Phân biệt đối xử giữa những người học dưới mọi hình thức;
+ Gian lận, cố ý làm sai lệch kết quả trong hoạt động tuyển sinh, đánh giá người học;
+ Ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức;
+ Ép buộc người học nộp tiền hoặc hiện vật ngoài quy định của pháp luật;
+ Lợi dụng chức danh nhà giáo và hoạt động nghề nghiệp để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
- Những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo bao gồm:
+ Không thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với nhà giáo theo quy định của pháp luật;
+ Đăng tải, phát tán thông tin mang tính quy kết về trách nhiệm của nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp khi chưa có kết luận của cơ quan có thẩm quyền;
+ Các việc không được làm khác theo quy định của pháp luật.
Xem thêm
Từ khóa: Tuyển dụng giáo viên Ưu tiên trong tuyển dụng giáo viên Tuyển dụng nhà giáo Luật Nhà giáo 2025 Ưu tiên trong tuyển dụng Thẩm quyền tuyển dụng Giáo viên
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;