Trình tự, thủ tục giải quyết thôi việc đối với công chức theo Nghị định 170/2025/NĐ-CP ra sao?
Bài viết dưới đây sẽ nêu quy định về trình tự, thủ tục giải quyết thôi việc đối với công chức theo Nghị định 170/2025/NĐ-CP, áp dụng từ ngày 01/7/2025.
Trình tự, thủ tục giải quyết thôi việc đối với công chức theo Nghị định 170/2025/NĐ-CP ra sao? (Hình từ Internet)
Trình tự, thủ tục giải quyết thôi việc đối với công chức từ ngày 01/7/2025
[1] Đối với trường hợp công chức tự nguyện xin thôi việc
Theo đó, trình tự, thủ tục giải quyết thôi việc đối với công chức tự nguyện xin thôi việc như sau:
(i) Công chức tự nguyện xin thôi việc có đơn gửi cơ quan quản lý hoặc cơ quan được phân cấp thẩm quyền quản lý hoặc được ủy quyền giải quyết thôi việc;
(ii) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đơn tự nguyện xin thôi việc của công chức, nếu đồng ý cho thôi việc thì người đứng đầu cơ quan quản lý hoặc cơ quan được phân cấp thẩm quyền quản lý hoặc được ủy quyền ra quyết định thôi việc đối với công chức; nếu không đồng ý thì trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do quy định tại (iii);
(iii) Lý do không giải quyết thôi việc đối với công chức:
+ Công chức đang trong thời gian xem xét xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự;
+ Công chức chưa phục vụ đủ thời gian theo cam kết với cơ quan, tổ chức tuyển dụng;
+ Công chức chưa hoàn thành việc thanh toán các khoản tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của cá nhân đối với cơ quan, tổ chức;
+ Do yêu cầu công tác của cơ quan, tổ chức hoặc chưa bố trí được người thay thế.
+ Các lý do khác theo quy định của pháp luật, quy định của cấp có thẩm quyền.
[2] Đối với trường hợp công chức bị cho thôi việc
Cụ thể, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có kết quả theo dõi, đánh giá xếp loại của công chức, người đứng đầu cơ quan quản lý hoặc cơ quan được phân cấp thẩm quyền quản lý hoặc được ủy quyền ra quyết định thôi việc đối với công chức không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Công chức phải hoàn thành việc thanh toán các khoản tiền, tài sản thuộc trách nhiệm của cá nhân đối với cơ quan, tổ chức (nếu có) trước khi bị cho thôi việc.
Trường hợp cố tình không hoàn thành việc thanh toán thì cấp có thẩm quyền vẫn ra quyết định buộc thôi việc; việc xử lý đối với các khoản chưa thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật.
Cơ sở pháp lý: Khoản 2 Điều 57 Nghị định 170/2025/NĐ-CP.
Chế độ, chính sách thôi việc đối với công chức áp dụng từ 01/7/2025 ra sao?
Theo Nghi định 170/2025/NĐ-CP, công chức tự nguyện xin thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc như sau:
- Được trợ cấp 03 tháng tiền lương hiện hưởng;
- Được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc;
- Được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Trong đó:
- Tiền lương tháng hiện hưởng là tiền lương tháng liền kề trước khi thôi việc. Tiền lương tháng được tính bao gồm: mức lương theo ngạch, bậc; phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có) theo quy định của pháp luật về tiền lương.
- Mức trợ cấp bằng 01 (một) tháng tiền lương hiện hưởng được thực hiện đối với trường hợp có tổng thời gian công tác trước khi thôi việc từ 06 tháng đến dưới 12 tháng.
Trường hợp công chức đã có thông báo nghỉ hưu hoặc thuộc trường hợp tinh giản biên chế hoặc buộc thôi việc theo quy định của pháp luật thì không thuộc trường hợp được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc nêu trên.
Được biết, nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc được bố trí trong dự toán chi hoạt động thường xuyên được cơ quan có thẩm quyền giao hàng năm.
Cơ sở pháp lý: Điều 58 và Điều 60 Nghị định 170/2025/NĐ-CP.
Công chức không được làm việc gì theo Luật Cán bộ công chức 2025?
Theo Luật Cán bộ công chức 2025, công chức không được làm những việc sau đây:
- Trốn tránh, thoái thác, né tránh, đùn đẩy trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; gây bè phái, mất đoàn kết; tự ý nghỉ việc, bỏ việc; tham gia đình công; đăng tải, phát tán, phát ngôn thông tin sai lệch làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của đất nước, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác.
- Có hành vi tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, trục lợi, nhũng nhiễu và các hành vi khác vi phạm pháp luật đối với người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
- Sử dụng tài sản công của Nhà nước và tài sản của Nhân dân trái pháp luật.
- Lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn, sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để trục lợi.
- Có hành vi phân biệt đối xử dân tộc, giới tính, độ tuổi, khuyết tật, tôn giáo, tín ngưỡng, thành phần xã hội dưới mọi hình thức trong thi hành công vụ.
- Những việc không được làm liên quan đến sản xuất, kinh doanh, công tác nhân sự theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ bí mật nhà nước và những việc khác theo quy định của pháp luật và của cấp có thẩm quyền trong thời gian công tác và sau khi thôi việc, nghỉ hưu.
Cơ sở pháp lý: Điều 14 Luật Cán bộ công chức 2025.
Xem thêm
Từ khóa: Thủ tục giải quyết thôi việc Thủ tục giải quyết thôi việc đối với công chức Nghị định 170/2025/NĐ-CP Tiền lương hiện hưởng Công chức
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;