Từ khóa gợi ý:
Không tìm thấy từ khóa phù hợp
Việc làm có thể bạn quan tâm
Không tìm thấy việc làm phù hợp

Toàn bộ 11 nguyên tắc xử lý kỷ luật cán bộ công chức theo Nghị định 172/2025/NĐ-CP

Bài viết dưới đây sẽ nêu ra 11 nguyên tắc xử lý kỷ luật cán bộ công chức sẽ áp dụng từ ngày 01/7/2025 theo hướng dẫn của Chính phủ tại Nghị định 172/2025/NĐ-CP.

Đăng bài: 19:05 05/07/2025

Toàn bộ 11 nguyên tắc xử lý kỷ luật cán bộ công chức theo Nghị định 172/2025/NĐ-CP

Toàn bộ 11 nguyên tắc xử lý kỷ luật cán bộ công chức theo Nghị định 172/2025/NĐ-CP (Hình từ Internet)

Toàn bộ 11 nguyên tắc xử lý kỷ luật cán bộ công chức từ 01/7/2025

Theo Nghị định 172/2025/NĐ-CP, việc xử lý kỷ luật cán bộ công chức phải tuân thủ 11 nguyên tắc sau đây:

[1] Bảo đảm khách quan, công bằng; công khai, nghiêm minh; chính xác, kịp thời; đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục.

[2] Mỗi hành vi vi phạm chỉ bị xử lý một lần bằng một hình thức kỷ luật. Trong cùng một thời điểm xem xét xử lý kỷ luật, nếu cán bộ, công chức có từ 02 hành vi vi phạm trở lên thì xem xét, kết luận về từng hành vi vi phạm và quyết định chung bằng một hình thức cao nhất tương ứng với hành vi vi phạm.

[3] Trường hợp cán bộ, công chức đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật tiếp tục có hành vi vi phạm thì bị áp dụng hình thức kỷ luật như sau:

- Nếu có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nhẹ hơn hoặc bằng so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật đang thi hành;

- Nếu có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật ở hình thức nặng hơn so với hình thức kỷ luật đang thi hành thì áp dụng hình thức kỷ luật nặng hơn một mức so với hình thức kỷ luật áp dụng đối với hành vi vi phạm mới.

[4] Khi xem xét xử lý kỷ luật phải căn cứ vào nội dung, động cơ, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; thái độ tiếp thu và sửa chữa; việc khắc phục khuyết điểm, vi phạm, hậu quả.

[5] Không áp dụng hình thức xử phạt hành chính thay cho hình thức kỷ luật hành chính; xử lý kỷ luật hành chính không thay cho truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu hành vi vi phạm đến mức bị xử lý hình sự.

[6] Cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật về đảng thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về đảng, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện quy trình xử lý kỷ luật hành chính (nếu có), trừ trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật quy định tại Điều 3 Nghị định 172/2025/NĐ-CP.

Hình thức kỷ luật hành chính phải bảo đảm tương xứng với kỷ luật về đảng. Trường hợp bị xử lý kỷ luật về đảng bằng hình thức cao nhất liên quan đến hoạt động công vụ thì cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật xem xét, quyết định xử lý kỷ luật hành chính bằng hình thức cao nhất.

Trường hợp có thay đổi về hình thức xử lý kỷ luật về đảng thì phải thay đổi hình thức xử lý kỷ luật hành chính tương xứng. Thời gian đã thi hành quyết định xử lý kỷ luật cũ được trừ vào thời gian thi hành quyết định xử lý kỷ luật mới (nếu còn).

Trường hợp cấp có thẩm quyền của Đảng quyết định xóa bỏ quyết định xử lý kỷ luật về đảng thì cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật hành chính phải ban hành quyết định hủy bỏ quyết định xử lý kỷ luật hành chính.

[7] Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm thân thể, tinh thần, danh dự, nhân phẩm trong quá trình xử lý kỷ luật.

[8] Cán bộ, công chức có hành vi vi phạm lần đầu đã bị xử lý kỷ luật mà trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày quyết định xử lý kỷ luật có hiệu lực thi hành tiếp tục vi phạm hành vi đã bị kỷ luật thì bị coi là tái phạm.

[9] Quyết định xử lý kỷ luật cán bộ, công chức có hiệu lực 12 tháng kể từ ngày có hiệu lực thi hành.

Trường hợp đã có quyết định kỷ luật về đảng thì hiệu lực của quyết định xử lý kỷ luật hành chính tính từ ngày quyết định kỷ luật về đảng có hiệu lực.

Trong thời gian này, nếu không tiếp tục có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải xử lý kỷ luật thì quyết định xử lý kỷ luật đương nhiên chấm dứt hiệu lực mà không cần phải có văn bản về việc chấm dứt hiệu lực.

Trường hợp cán bộ, công chức tiếp tục có hành vi vi phạm đến mức bị xử lý kỷ luật đang trong thời gian thi hành quyết định xử lý kỷ luật thì xử lý theo quy định tại khoản 3 Điều này. Quyết định kỷ luật đang thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm quyết định kỷ luật đối với hành vi vi phạm pháp luật mới có hiệu lực.

Các tài liệu liên quan đến việc xử lý kỷ luật và quyết định kỷ luật phải được lưu giữ trong hồ sơ cán bộ, công chức. Hình thức kỷ luật phải ghi vào lý lịch của cán bộ, công chức.

[10] Cán bộ, công chức có hành vi vi phạm trong thời gian công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ đến khi chuyển sang cơ quan, tổ chức, đơn vị mới mới phát hiện hành vi vi phạm đó và vẫn còn trong thời hiệu xử lý kỷ luật thì cơ quan, tổ chức, đơn vị mới thực hiện việc xem xét xử lý kỷ luật và áp dụng hình thức kỷ luật theo quy định pháp luật tương ứng với vị trí cán bộ, công chức hiện đang đảm nhiệm.

Đối với trường hợp này, cơ quan, tổ chức, đơn vị cũ có trách nhiệm phối hợp, cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến hành vi vi phạm của cán bộ, công chức trong quá trình xem xét, xử lý kỷ luật.

[11] Không được cử vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ; cha, mẹ (vợ hoặc chồng), cha nuôi, mẹ nuôi; con đẻ, con nuôi; anh, chị, em ruột; cô, dì, chú, bác, cậu ruột; anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng của anh, chị, em ruột hoặc người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến hành vi vi phạm bị xem xét xử lý kỷ luật là thành viên Hội đồng kỷ luật hoặc là người chủ trì cuộc họp kiểm điểm.

Cơ sở pháp lý: Điều 2 Nghị định 172/2025/NĐ-CP.

Các hình thức kỷ luật đối với cán bộ công chức từ ngày 01/7/2025

Từ ngày 01/7/2025, các hình thức kỷ luật đối với cán bộ công chức được quy định như sau:

- Áp dụng đối với cán bộ

+ Khiển trách;

+ Cảnh cáo;

+ Cách chức, áp dụng đối với cán bộ được phê chuẩn, bổ nhiệm hoặc chỉ định giữ chức vụ, chức danh;

+ Bãi nhiệm.

- Áp dụng đối với công chức

+ Khiển trách;

+ Cảnh cáo;

+ Cách chức, áp dụng đối với công chức lãnh đạo, quản lý;

+ Buộc thôi việc.

Cơ sở pháp lý: Điều 7 Nghị định 172/2025/NĐ-CP.

Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức từ ngày 01/7/2025

**Đối với cán bộ

Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với cán bộ được quy định như sau:

(i) Cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định phê duyệt kết quả bầu cử thì có thẩm quyền xử lý kỷ luật, trừ trường hợp quy định tại (ii).

(ii) Đối với các chức vụ, chức danh trong cơ quan hành chính nhà nước do Quốc hội phê chuẩn thì Thủ tướng Chính phủ ra quyết định xử lý kỷ luật.

(iii) Trường hợp không có hoặc đang chờ quyết định phê chuẩn hoặc quyết định phê duyệt kết quả bầu cử thì cấp có thẩm quyền bầu cử quyết định xử lý kỷ luật.

Cơ sở pháp lý: Điều 13 Nghị định 172/2025/NĐ-CP.

**Đối với công chức

Từ ngày 01/7/2025, thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với công chức được quy định như sau:

- Đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm hoặc theo phân cấp, ủy quyền tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.

- Đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng hoặc theo phân cấp, ủy quyền tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 19 Nghị định 172/2025/NĐ-CP.

Điều 19. Thành phần Hội đồng kỷ luật công chức

...

4. Trường hợp tất cả lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng công chức quy định tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 2 Điều này thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 11 Điều 2 Nghị định này hoặc trong cùng vụ việc bị xem xét kỷ luật thì 01 đại diện cấp trên trực tiếp thay thế.

- Đối với công chức biệt phái, người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi công chức được cử biệt phái tiến hành xử lý kỷ luật, thống nhất hình thức kỷ luật với cơ quan, tổ chức cử công chức biệt phái trước khi quyết định hình thức kỷ luật.

Trường hợp kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc, căn cứ vào đề xuất của Hội đồng xử lý kỷ luật thì cơ quan, tổ chức nơi công chức được cử biệt phái đề nghị cơ quan, tổ chức cử công chức biệt phái ra quyết định buộc thôi việc.

Hồ sơ, quyết định kỷ luật công chức biệt phái phải được gửi về cơ quan quản lý công chức biệt phái.

- Đối với công chức làm việc trong Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân thì thẩm quyền xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức.

Cơ sở pháp lý: Điều 15 Nghị định 172/2025/NĐ-CP.

>> Xem thêm:  Mới nhất: Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với công chức theo Nghị định 172/2025/NĐ-CP

Từ khóa: Cán bộ công chức Nguyên tắc xử lý kỷ luật cán bộ công chức Xử lý kỷ luật Hình thức kỷ luật đối với cán bộ công chức Hình thức kỷ luật

- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;

- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;

- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;

CHỦ QUẢN: Công ty TNHH THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

Mã số thuế: 0315459414, cấp ngày: 04/01/2019, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM.

Đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Tường Vũ

GP thiết lập trang TTĐTTH số 30/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP.HCM cấp ngày 15/06/2022.

Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm số: 4639/2025/10/SLĐTBXH-VLATLĐ cấp ngày 25/02/2025.

Địa chỉ trụ sở: P.702A, Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, phường Phú Nhuận, TP. HCM

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
...loại rủi ro pháp lý, nắm cơ hội làm giàu...
Thư Viện Nhà Đất
Thư Viện Nhà Đất
...hiểu pháp lý, rõ quy hoạch, giao dịch nhanh...