Nhấn vào mũi tên để hiển thị chuyên mục con hoặc nhấn vào tiêu đề để lọc theo chuyên mục cha
Sàng lọc công chức viên chức sau sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện theo Nghị định 178
Tại Nghị định 178/2024/NĐ-CP đã có nội dung đề cập tới việc sàng lọc công chức viên chức sau sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện.
Nội dung chính
Sàng lọc công chức viên chức sau sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện theo Nghị định 178 (Hình từ Internet)
Sàng lọc công chức viên chức sau sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện theo Nghị định 178
Theo Kết luận 121-KL/TW ngày 24/01/2025, Bộ Chính trị đã yêu cầu thực hiện đổi mới mạnh mẽ phương pháp tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị. Khẩn trương ban hành cơ chế hữu hiệu lựa chọn, bố trí đúng cán bộ tốt, thực sự có đức, có tài, có khát vọng cống hiến, thực sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị; sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.
Nhằm thực hiện nội dung nêu trên, tại Điều 6 Nghị định 178/2024/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 67/2025/NĐ-CP) đã có quy định về tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức và giải quyết chính sách, chế độ như sau:
Tập thể cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu từng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện rà soát, đánh giá đối với tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý dựa trên kết quả thực hiện nhiệm vụ trong 03 năm gần nhất theo các tiêu chí sau:
- Tiêu chí đánh giá về phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
- Tiêu chí đánh giá về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; khả năng đáp ứng yêu cầu về tiến độ, thời gian, chất lượng thực thi nhiệm vụ, công vụ thường xuyên và đột xuất.
- Tiêu chí đánh giá về kết quả, sản phẩm công việc gắn với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đã đạt được.
- Đối với cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá là người có phẩm chất, năng lực nổi trội thì phải đáp ứng 3 tiêu chí nêu trên, đồng thời phải bảo đảm tiêu chí đánh giá về đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và có thành tích tiêu biểu, nổi trội, mang lại lợi ích cho cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Đề xuất đánh giá sàng lọc cán bộ công chức
Đây là nội dung được đề xuất tại Dự thảo Luật Cán bộ công chức (sửa đổi).
Theo Điều 26 Dự thảo Luật Cán bộ công chức (sửa đổi) đề xuất đánh giá công chức để làm rõ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao. Kết quả đánh giá là căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật, sàng lọc và thực hiện chính sách đối với công chức.
Theo đó, việc thực hiện đánh giá, sàng lọc được thực hiện theo nguyên tắc quy định tại Điều 27 Dự thảo Luật Cán bộ công chức (sửa đổi) như sau:
[1] Việc đánh giá phải căn cứ vào các nội dung cơ bản sau đây:
- Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc;
- Căn cứ vào yêu cầu của vị trí việc làm, bảng mô tả công việc, kế hoạch công tác hàng năm, kết quả thực hiện nhiệm vụ bằng sản phẩm cụ thể, tiến độ và chất lượng;
- Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ;
- Thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp đối với những vị trí tiếp xúc trực tiếp hoặc trực tiếp giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp.
[2] Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 26 Dự thảo Luật Cán bộ công chức (sửa đổi), công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý còn được đánh giá theo các nội dung sau đây:
- Tiến độ, chất lượng công việc của đơn vị phụ trách;
- Năng lực lãnh đạo, quản lý;
- Năng lực tập hợp, đoàn kết.
[3] Thời điểm đánh giá được thực hiện vào cuối năm dương lịch. Căn cứ vào yêu cầu quản lý của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức quy định đánh giá công chức theo quý, tháng hoặc tuần phù hợp với đặc thù công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
[4] Kết quả đánh giá là căn cứ để xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, xét chuyển vào vị trí việc làm cao hơn, bổ nhiệm, nâng lương, thực hiện khen thưởng.
Căn cứ vào quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 27 Dự thảo Luật Cán bộ công chức (sửa đổi), người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý công chức ban hành, phân cấp ban hành quy chế đánh giá công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.
Bảo lưu tiền lương cán bộ công chức trong 6 tháng sau khi sáp nhập tỉnh
Theo Dự thảo Nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính, Bộ Nội vụ đã đề xuất bảo lưu chế độ, chính sách tiền lương và phụ cấp chức vụ (nếu có) hiện hưởng của cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã được bố trí làm việc tại đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã mới trong thời gian 06 tháng. Sau thời hạn bảo lưu, thực hiện chế độ, chính sách và phụ cấp chức vụ theo quy định của pháp luật.
Căn cứ quy định của Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh kịp thời thực hiện các chế độ, chính sách tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính bảo đảm đúng đối tượng và quyền, lợi ích của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chịu tác động do sắp xếp đơn vị hành chính.
Xem thêm:
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@nhansu.vn;