Người nước ngoài có được cấp Chứng chỉ hành nghề dược tại Việt Nam không? Để công nhận là người biết tiếng Việt thành thạo thì người nước ngoài cần đáp ứng các tiêu chí nào?
Người nước ngoài có được cấp Chứng chỉ hành nghề dược tại Việt Nam không? Để công nhận là người biết tiếng Việt thành thạo thì người nước ngoài cần đáp ứng các tiêu chí nào?
Người nước ngoài có được cấp Chứng chỉ hành nghề dược tại Việt Nam không?
Căn cứ theo Điều 14 Luật Dược 2016 quy định:
Điều kiện cấp Chứng chỉ hành nghề dược tại Việt Nam đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài
1. Có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 13 của Luật này.
2. Đáp ứng yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong hành nghề dược theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Đồng thời, tại Điều 3 Thông tư 07/2018/TT-BYT quy định đối với yêu cầu sử dụng ngôn ngữ trong hành nghề dược như sau:
Yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong hành nghề dược
1. Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở bán lẻ thuốc và người phụ trách dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải được công nhận biết tiếng Việt thành thạo, trường hợp không biết tiếng Việt thành thạo thì phải đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch đáp ứng theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.
2. Người nước ngoài và người Việt Nam định cư tại nước ngoài chưa được công nhận biết tiếng Việt thành thạo trong hành nghề dược, trên Chứng chỉ hành nghề dược phải ghi “yêu cầu có phiên dịch trong hành nghề”. Khi hành nghề dược, trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược phải có hợp đồng với người phiên dịch đáp ứng quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 5 Thông tư này.
Như vậy, người nước ngoài có thể được cấp Chứng chỉ hành nghề dược tại Việt Nam nếu đáp ứng các điều kiện chung tại Điều 13 Luật Dược 2016, đồng thời cũng đáp ứng yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ trong hành nghề dược đó là được công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc có người phiên dịch đáp ứng yêu cầu.
Người nước ngoài có được cấp Chứng chỉ hành nghề dược tại Việt Nam không? (Hình internet)
Để công nhận là người biết tiếng Việt thành thạo trong hành nghề dược thì người nước ngoài cần đáp ứng các tiêu chí nào?
Căn cứ quy định tại Điều 4 Thông tư 07/2018/TT-BYT quy định về tiêu chí để công nhận người biết tiếng Việt thành thạo trong hành nghề dược như sau:
- Người hành nghề dược được công nhận biết tiếng Việt thành thạo trong hành nghề dược khi được cơ sở giáo dục quy định tại Điều 6 Thông tư này kiểm tra và công nhận biết tiếng Việt thành thạo, trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 07/2018/TT-BYT.
- Trường hợp người hành nghề đăng ký ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ hoặc tiếng Việt để hành nghề dược thì phải được cơ sở giáo dục quy định tại Điều 6 Thông tư 07/2018/TT-BYT này kiểm tra để công nhận người hành nghề thành thạo ngôn ngữ mà người hành nghề đăng ký sử dụng trong hành nghề dược, trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 07/2018/TT-BYT. Ngôn ngữ mà người hành nghề đăng ký sử dụng trong hành nghề dược có thể là một trong các ngôn ngữ sau đây: Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
- Người hành nghề dược được công nhận biết tiếng Việt thành thạo hoặc sử dụng thành thạo ngôn ngữ khác trong hành nghề dược mà không phải qua kiểm tra khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp chuyên ngành y, dược, y học cổ truyền trở lên do cơ sở đào tạo hợp pháp của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp mà ngôn ngữ sử dụng trong quá trình đào tạo là tiếng Việt hoặc là ngôn ngữ mà người hành nghề đăng ký sử dụng trong hành nghề dược;
+ Có chứng chỉ đã hoàn thành khóa đào tạo chuyên ngành y, dược, y học cổ truyền có thời gian từ 12 (mười hai) tháng trở lên mà ngôn ngữ sử dụng trong quá trình đào tạo là tiếng Việt hoặc là ngôn ngữ mà người hành nghề đăng ký sử dụng trong hành nghề dược;
+ Có bằng tốt nghiệp trình độ đại học chuyên ngành y, dược, y học cổ truyền do cơ sở đào tạo hợp pháp của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp mà ngôn ngữ sử dụng trong quá trình đào tạo là tiếng Việt hoặc là ngôn ngữ mà người hành nghề đăng ký sử dụng trong hành nghề dược.
Các văn bằng, chứng chỉ quy định tại điểm a và b khoản 3 Điều 4 Thông tư 07/2018/TT-BYT phải được cấp trong thời gian không quá 05 (năm) năm, tính đến ngày nộp hồ sơ.
Thủ tục công bố cơ sở giáo dục kiểm tra ngôn ngữ trong hành nghề dược được quy định như thế nào?
Theo khoản 3 Điều 7 Thông tư 07/2018/TT-BYT quy định về thủ tục công bố cơ sở giáo dục kiểm tra ngôn ngữ trong hành nghề dược như sau:
- Cơ sở giáo dục gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị công bố về Bộ Y tế (Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo);
- Bộ Y tế (Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo) trả cho cơ sở giáo dục Phiếu tiếp nhận hồ sơ;
- Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, Bộ Y tế (Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo) có trách nhiệm công bố cơ sở kiểm tra ngôn ngữ trong hành nghề dược trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế. Trường hợp không công bố thì phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.
Xem thêm
Từ khóa: Chứng chỉ hành nghề dược Cấp chứng chỉ hành nghề dược Hành nghề dược Người hành nghề dược Ngôn ngữ trong hành nghề dược
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;