Nhấn vào mũi tên để hiển thị chuyên mục con hoặc nhấn vào tiêu đề để lọc theo chuyên mục cha
Có được cấm người lao động làm việc cho công ty đối thủ sau khi nghỉ việc không?
Doanh nghiệp không có quyền cấm người lao động làm việc cho công ty đối thủ sau khi nghỉ việc theo quy định hiện hành.
Có được cấm người lao động làm việc cho công ty đối thủ sau khi nghỉ việc không? (Hình từ Internet)
Có được cấm người lao động làm việc cho công ty đối thủ sau khi nghỉ việc không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Hiến pháp 2013 quy định công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc.
Dẫn chiếu qua khoản 1 Điều 10 Bộ luật Lao động 2019, người lao động được tự do lựa chọn việc làm, làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm.
Theo đó, chỉ cần pháp luật không cấm, người lao động có quyền lựa chọn việc làm và làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào. Vậy doanh nghiệp không có quyền cấm người lao động làm việc cho công ty đối thủ sau khi nghỉ việc.
Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng lao động, người lao động làm việc có liên quan đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì quyền tự do làm việc sẽ bị giới hạn.
Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm. (khoản 2 Điều 21 Bộ luật Lao động 2019).
Thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ có thể gồm những nội dung chủ yếu sau:
[1] Danh mục bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
[2] Phạm vi sử dụng bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
[3] Thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
[4] Phương thức bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
[5] Quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ;
[6] Xử lý vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ.
Do đó, pháp luật cho phép người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận bằng văn bản về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm nếu công việc của người lao động đó liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ của doanh nghiệp.
Lưu ý: Thỏa thuận không làm cho công ty đối thủ sau khi nghỉ việc được công nhận nếu công việc mà người lao động làm liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ để bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng lao động.
Trường hợp người lao động chỉ làm công việc bình thường, không liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì doanh nghiệp không được yêu cầu ký cam kết bởi điều này xâm phạm đến quyền tự do việc làm của người lao động.
Cơ sở pháp lý: Chương II Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH
Người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh bị xử lý như thế nào?
Theo khoản 3 Điều 4 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, khi phát hiện người lao động vi phạm thỏa thuận bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ thì người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động bồi thường theo thỏa thuận của hai bên. Trình tự, thủ tục xử lý bồi thường được thực hiện như sau:
Trường hợp 1: Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm trong thời hạn thực hiện hợp đồng lao động thì xử lý theo trình tự, thủ tục xử lý việc bồi thường thiệt hại quy định tại khoản 2 Điều 130 Bộ luật Lao động 2019 được hướng dẫn bởi Điều 71, 72 Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:
[1] Khi phát hiện người lao động có hành vi làm hư hỏng, làm mất dụng cụ, thiết bị hoặc làm mất tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì người sử dụng lao động yêu cầu người lao động tường trình bằng văn bản về vụ việc.
[2] Trong thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 72 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại như sau:
(a) Ít nhất 05 ngày làm việc trước khi tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại, người sử dụng lao động thông báo đến các thành phần phải tham dự họp bao gồm: các thành phần quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 122 của Bộ luật Lao động, thẩm định viên về giá (nếu có); bảo đảm các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp. Nội dung thông báo phải nêu rõ thời gian, địa điểm tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại; họ tên người bị xử lý bồi thường thiệt hại và hành vi vi phạm;
(b) Khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động, các thành phần phải tham dự họp quy định tại (a) phải xác nhận tham dự cuộc họp với người sử dụng lao động. Trường hợp một trong các thành phần không thể tham dự họp theo thời gian, địa điểm đã thông báo thì người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận việc thay đổi thời gian, địa điểm họp; trường hợp hai bên không thỏa thuận được thì người sử dụng lao động quyết định thời gian, địa điểm họp;
(c) Người sử dụng lao động tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại theo thời gian, địa điểm đã thông báo quy định tại (a) và (b). Trường hợp một trong các thành phần phải tham dự họp quy định tại (a) không xác nhận tham dự hoặc vắng mặt thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành họp xử lý bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
[3] Nội dung cuộc họp xử lý bồi thường thiệt hại phải được lập thành biên bản, thông qua trước khi kết thúc cuộc họp và có chữ ký của người tham dự cuộc họp theo quy định tại [2a], trường hợp có người không ký vào biên bản thì người ghi biên bản nêu rõ họ tên, lý do không ký (nếu có) vào nội dung biên bản.
[4] Quyết định xử lý bồi thường thiệt hại phải được ban hành trong thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại. Quyết định xử lý bồi thường thiệt hại phải nêu rõ mức thiệt hại; nguyên nhân thiệt hại; mức bồi thường thiệt hại; thời hạn, hình thức bồi thường thiệt hại và được gửi đến các thành phần phải tham dự họp quy định tại [2a].
[5] Các trường hợp bồi thường thiệt hại khác thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Trường hợp 2: Trường hợp phát hiện người lao động có hành vi vi phạm sau khi chấm dứt hợp đồng lao động thì xử lý theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật khác có liên quan.
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];