Cơ quan nào có thẩm quyền ban hành và quản lý chương trình bồi dưỡng công chức?
Cơ quan nào có thẩm quyền ban hành và quản lý chương trình bồi dưỡng công chức? Công chức khi tham gia đào tạo bồi dưỡng phải có các trách nhiệm như thế nào?
Cơ quan nào có thẩm quyền ban hành và quản lý chương trình bồi dưỡng công chức?
Căn cứ Điều 17 Nghị định 171/2025/NĐ-CP quy định như sau:
Ban hành và quản lý chương trình bồi dưỡng
1. Cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng, ban hành và quản lý chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị, chương trình bồi dưỡng cấp thứ trưởng và tương đương.
2. Bộ Nội vụ ban hành và quản lý chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức lãnh đạo, quản lý: cấp phòng và tương đương, cấp sở và tương đương, cấp vụ và tương đương.
3. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng, ban hành và quản lý chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh.
4. Cơ quan quản lý công chức xây dựng, ban hành và quản lý chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức thuộc ngành, lĩnh vực và thuộc thẩm quyền quản lý.
Như vậy, cơ quan có thẩm quyền ban hành và quản lý chương trình bồi dưỡng công chức được quy định như sau:
- Đối với chương trình bồi dưỡng lý luận chính trị, chương trình bồi dưỡng cấp thứ trưởng và tương đương do cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng, ban hành và quản lý.
- Đối với chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với công chức lãnh đạo, quản lý cấp phòng, sở, vụ và tương đương do Bộ Nội vụ ban hành và quản lý.
- Đối với chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh do Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an xây dựng, ban hành và quản lý.
- Đối với chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức thuộc ngành, lĩnh vực và thuộc thẩm quyền quản lý do cơ quan quản lý công chức xây dựng, ban hành và quản lý.
Trên đây là toàn bộ thông tin về "Cơ quan nào có thẩm quyền ban hành và quản lý chương trình bồi dưỡng công chức?"
Cơ quan nào có thẩm quyền ban hành và quản lý chương trình bồi dưỡng công chức? (Hình ảnh Internet)
Công chức khi tham gia đào tạo bồi dưỡng phải có các trách nhiệm như thế nào?
Căn cứ Điều 3 Nghị định 171/2025/NĐ-CP quy định về trách nhiệm của công chức khi tham gia đào tạo bồi dưỡng như sau:
- Thực hiện các quy định về đào tạo, bồi dưỡng công chức.
- Không ngừng tự nghiên cứu, tự học tập và chủ động lựa chọn các chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp để tự nâng cao trình độ, năng lực thực thi nhiệm vụ, công vụ.
- Thực hiện chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm bảo đảm thời gian thực hiện tối thiểu hàng năm theo quy định.
- Công chức lãnh đạo, quản lý tham gia giảng dạy các khóa bồi dưỡng công chức thì được tính vào thời gian tham gia chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ hàng năm quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 171/2025/NĐ-CP.
- Thực hiện quy chế đào tạo, bồi dưỡng và chịu sự quản lý của các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân trong thời gian tham gia khóa đào tạo và của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan của Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, trường chính trị các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong thời gian tham gia khóa bồi dưỡng.
- Thực hiện cam kết về thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị cử đi đào tạo sau khi hoàn thành chương trình đào tạo và thực hiện quy định về đền bù chi phí đào tạo.
Công chức phải đáp ứng các điều kiện gì để được cử đi đào tạo sau đại học?
Căn cứ Điều 5 Nghị định 171/2025/NĐ-CP quy định công chức phải đáp ứng các điều kiện sau đây để được cử đi đào tạo sau đại học:
- Công chức có thời gian công tác từ đủ 03 năm trở lên và 02 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
- Công chức không quá 45 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu.
- Công chức có cam kết thực hiện nhiệm vụ, công vụ tại cơ quan, đơn vị cử đi đào tạo sau đại học sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 03 lần thời gian đào tạo.
- Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.
- Công chức được cử đi đào tạo sau đại học theo các chương trình hợp tác với nước ngoài được ký kết bởi cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngoài các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 5 Nghị định 171/2025/NĐ-CPcòn phải đáp ứng yêu cầu khác của chương trình hợp tác.
Từ khóa: Thẩm quyền ban hành và quản lý Chương trình bồi dưỡng công chức Bồi dưỡng công chức Thẩm quyền ban hành và quản lý chương trình bồi dưỡng công chức Tham gia đào tạo bồi dưỡng Cử đi đào tạo sau đại học Chương trình bồi dưỡng
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;