Chính sách tăng cường chức năng kiểm tra thuế, kiểm tra giá giao dịch liên kết (đề xuất)?
Kiến nghị, đề xuất về chính sách tăng cường chức năng kiểm tra thuế, kiểm tra giá giao dịch liên kết như thế nào?
Chính sách tăng cường chức năng kiểm tra thuế, kiểm tra giá giao dịch liên kết (đề xuất)?
Bộ Tài chính đã có Bản tổng hợp ý kiến, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của hồ sơ chính sách của dự án Luật Quản lý thuế (thay thế).
Xem chi tiết Bản tổng hợp ý kiến | Tải về |
Trên cơ sở ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, Bộ Tài chính đã tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý và giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý, trong đó Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam có đề xuất, góp ý về chính sách tăng cường chức năng kiểm tra thuế, kiểm tra giá giao dịch liên kết, cụ thể như sau:
Về tên gọi, tên chính sách cần sử dụng thống nhất, tăng cường chức năng kiểm tra thuế hay tăng cường hoạt động kiểm tra thuế.
Kiểm tra thuế và kiểm tra giá giao dịch liên kết là hai công cụ quản lý thuế quan trọng, đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm tính tuân thủ, công bằng và minh bạch trong hệ thống thuế. Trong đó, kiểm tra thuế là hoạt động nhằm xác minh tính chính xác, đầy đủ và hợp pháp của các nghĩa vụ thuế đã được người nộp thuế kê khai và thực hiện, thông qua việc rà soát hồ sơ, chứng từ, sổ sách kế toán. Công cụ này giúp cơ quan thuế phát hiện kịp thời các sai sót, hành vi khai sai, trốn thuế hoặc gian lận thuế, đồng thời góp phần hướng dẫn người nộp thuế tuân thủ đúng pháp luật.
Trong khi đó, kiểm tra giá giao dịch liên kết lại tập trung vào các giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết, với mục tiêu đảm bảo các giao dịch đó được thực hiện theo nguyên tắc giá thị trường độc lập. Mặc dù khác nhau về đối tượng và phương pháp tiếp cận, hai công cụ này đều phục vụ mục tiêu chung là bảo vệ nguồn thu ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý thuế, đồng thời xây dựng một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch cho tất cả các thành phần kinh tế.
Tuy nhiên, việc áp dụng hai công cụ quản lý thuế quan trọng là kiểm tra thuế và kiểm tra giá giao dịch liên kết cần được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc rõ ràng và minh bạch nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người nộp thuế và cần phải được thể hiện trong chính sách của Dự thảo.
Trước hết, nguyên tắc công khai và minh bạch phải được đặt lên hàng đầu, tức là các quy định pháp luật về nội dung kiểm tra, phương pháp xác định nghĩa vụ thuế, và tiêu chí đánh giá rủi ro cần được ban hành rõ ràng, dễ hiểu và áp dụng thống nhất giữa các cơ quan thuế ở các cấp. Thứ hai, việc kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên đánh giá rủi ro và phân loại đối tượng một cách hợp lý, tránh gây phiền hà cho các doanh nghiệp nhỏ và những người nộp thuế có lịch sử tuân thủ tốt. Bên cạnh đó, người nộp thuế cần được bảo đảm quyền giải trình và tiếp cận thông tin, bao gồm quyền cung cấp chứng từ làm rõ giao dịch, quyền nhận phản hồi đầy đủ từ cơ quan thuế, và quyền khiếu nại, khởi kiện nếu không đồng ý với kết luận kiểm tra. Cơ quan thuế cũng nên thiết lập cơ chế hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn và đối thoại với người nộp thuế, đặc biệt đối với các lĩnh vực phức tạp như giá giao dịch liên kết. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần xem xét miễn trừ hoặc đơn giản hóa nghĩa vụ khai báo, giảm chi phí tuân thủ hành chính. Cuối cùng, việc áp dụng hai công cụ này phải đi kèm với nguyên tắc chính sách thuế ổn định, nhất quán và thân thiện, để không chỉ ngăn ngừa hành vi trốn lậu thuế mà còn tạo dựng lòng tin, khuyến khích tự giác tuân thủ và thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực doanh nghiệp.
Chỉ khi các công cụ quản lý thuế được áp dụng theo các nguyên tắc như vậy, quyền lợi của người nộp thuế mới thực sự được bảo đảm, và hệ thống thuế mới đạt được hiệu quả lâu dài.
Đề nghị: Ban soạn thảo cân nhắc, bô sung các quy định về việc bảo đảm quyền lợi cho người nộp thuế trong mối quan hệ với cơ quan thuế trong thực hiện kiểm tra thuế, kiểm tra giá giao dịch liên kết.
Chính sách tăng cường chức năng kiểm tra thuế, kiểm tra giá giao dịch liên kết (đề xuất)? (Hình từ Internet)
Trình tự, thủ tục kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế như thế nào?
Căn cứ Điều 110 Luật Quản lý thuế 2019 quy định như sau:
Kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế
...
2. Đối với các trường hợp quy định tại các điểm đ, e và g khoản 1 Điều này, cơ quan quản lý thuế thực hiện kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế không quá 01 lần trong 01 năm.
3. Quyết định kiểm tra thuế phải được gửi cho người nộp thuế trong thời hạn 03 ngày làm việc và thực hiện công bố trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày ký. Trước khi công bố quyết định kiểm tra mà người nộp thuế chứng minh được số tiền thuế đã khai là đúng và nộp đủ số tiền thuế phải nộp thì cơ quan quản lý thuế bãi bỏ quyết định kiểm tra thuế.
4. Trình tự, thủ tục kiểm tra thuế được quy định như sau:
a) Công bố quyết định kiểm tra thuế khi bắt đầu tiến hành kiểm tra thuế;
b) Đối chiếu nội dung khai báo với sổ kế toán, chứng từ kế toán, báo cáo tài chính, kết quả phân tích rủi ro về thuế, dữ liệu thông tin kiểm tra tại trụ sở của cơ quan thuế các tài liệu có liên quan, tình trạng thực tế trong phạm vi, nội dung của quyết định kiểm tra thuế;
c) Thời hạn kiểm tra được xác định trong quyết định kiểm tra nhưng không quá 10 ngày làm việc tại trụ sở của người nộp thuế. Thời hạn kiểm tra được tính từ ngày công bố quyết định kiểm tra; trường hợp phạm vi kiểm tra lớn, nội dung phức tạp thì người đã quyết định kiểm tra có thể gia hạn 01 lần nhưng không quá 10 ngày làm việc tại trụ sở của người nộp thuế;
d) Lập biên bản kiểm tra thuế trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn kiểm tra;
đ) Xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo kết quả kiểm tra.
5. Trường hợp kiểm tra sau thông quan thực hiện theo quy định của pháp luật về hải quan.
Theo đó, trình tự, thủ tục kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế như sau:
- Công bố quyết định kiểm tra thuế khi bắt đầu tiến hành kiểm tra thuế;
- Đối chiếu nội dung khai báo với sổ kế toán, chứng từ kế toán, báo cáo tài chính, kết quả phân tích rủi ro về thuế, dữ liệu thông tin kiểm tra tại trụ sở của cơ quan thuế các tài liệu có liên quan, tình trạng thực tế trong phạm vi, nội dung của quyết định kiểm tra thuế;
- Thời hạn kiểm tra được xác định trong quyết định kiểm tra nhưng không quá 10 ngày làm việc tại trụ sở của người nộp thuế. Thời hạn kiểm tra được tính từ ngày công bố quyết định kiểm tra; trường hợp phạm vi kiểm tra lớn, nội dung phức tạp thì người đã quyết định kiểm tra có thể gia hạn 01 lần nhưng không quá 10 ngày làm việc tại trụ sở của người nộp thuế;
- Lập biên bản kiểm tra thuế trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn kiểm tra;
- Xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo kết quả kiểm tra.
Người nộp thuế có quyền gì trong kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế?
Căn cứ khoản 1 Điều 111 Luật Quản lý thuế 2019, quyền của người nộp thuế trong kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế gồm:
- Từ chối việc kiểm tra khi không có quyết định kiểm tra thuế;
- Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung kiểm tra thuế; thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Nhận biên bản kiểm tra thuế và yêu cầu giải thích nội dung biên bản kiểm tra thuế;
- Bảo lưu ý kiến trong biên bản kiểm tra thuế;
- Khiếu nại, khởi kiện và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật;
- Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình kiểm tra thuế.
Xem thêm
Từ khóa: Kiểm tra thuế Kiểm tra giá giao dịch liên kết Giao dịch liên kết Giá giao dịch liên kết Chức năng kiểm tra thuế Tăng cường chức năng kiểm tra thuế Kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế Người nộp thuế Kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;